Thách thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Trong thời đại KH-CN phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận sở hữu trí tuệ (SHTT) là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của các nền KH-CN và kinh tế thị trường một cách bền vững.

 Bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KH-CN, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội. Trong đó, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ, khả năng phát triển, sự cạnh tranh của một nền kinh tế và cả một quốc gia. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn thế giới và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, SHTT trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặc dù nền móng hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc, nhưng thực tế CMCN 4.0 đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao hơn về SHTT, nhất là yêu cầu về tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng hội nhập quốc tế về mọi mặt. Đó là cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0. Chẳng hạn như bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), in 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới… Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, nhất là trên môi trường internet. Các chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển của KH-CN, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.

Năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan IoT nộp tại Cơ quan Sáng chế châu Âu và từ đó đến nay, số đơn này có mức tăng trưởng hơn 50%/năm. Điều này chứng tỏ, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh tiếp tục gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng AI. Tuy nhiên, việc bảo hộ tài sản trí tuệ cũng khó khăn hơn và dễ dẫn tới nhiều vụ kiện xâm hại bằng sáng chế ở lĩnh vực này. Bởi thiết bị IoT của các nhà sản xuất khác nhau buộc phải có khả năng tương thích. Trong khi, mỗi hệ thống IoT, dù nhỏ cũng có thể phải tích hợp hàng ngàn sáng chế. Điều này dẫn tới việc rất nhiều bằng sáng chế bị chồng chéo nhau. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT Việt Nam hiện nay là phải được vận hành thật sự hiệu quả, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan; đồng thời kiến tạo đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách nhanh và bền vững. 

Gần đây, cùng với CMCN 4.0, trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sáng chế mới ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn liên quan môi trường như: tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại, thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái... Tuy nhiên, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền SHTT để phục vụ cho phát triển bền vững, cần có sự chung tay chung sức của tất cả chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa SHTT trong toàn xã hội. Các chủ thể sáng tạo cần nâng cao hơn nữa năng lực sử dụng công cụ SHTT vào hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kịp thời đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các thành quả nghiên cứu của mình; nhất là trong các lĩnh vực công nghệ số và biến đổi khí hậu mới mẻ. 

Vấn đề bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững cũng chính là một trong những nhiệm vụ của nền kinh tế số, của CMCN 4.0. Để có sự tăng trưởng bền vững, cần liên kết tất cả các nguồn lực, thúc đẩy sự sáng tạo năng động trong khu vực tư nhân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp có tiềm năng về tài chính và công nghệ 4.0.

Tin cùng chuyên mục