Thả muỗi vằn mang Wolbachia để phòng ngừa sốt xuất huyết tại Tiền Giang

Sáng 25-3, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Viện Pasteur TPHCM, cùng các đơn vị liên quan... tiến hành thả muỗi vằn mang Wolbachia nhằm giảm thiểu sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết.

Cơ quan chức năng hướng dẫn cách thả muỗi vằn mang Wolbachia nhằm giảm thiểu sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười cho biết, số ca mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết trong những năm gần đây tại Tiền Giang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Việc triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia trên địa bàn 8 phường của TP Mỹ Tho hy vọng sẽ sớm kiểm soát hiệu quả bệnh sốt xuất huyết.

Năm 2019, Tiền Giang có hơn 6.000 ca mắc và 3 trường hợp tử vong. Năm 2020 có hơn 3.200 ca mắc. Năm 2021 có khoảng 1.600 ca mắc và 1 trường hợp tử vong.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài quen thuộc như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn. Phương pháp Wolbachia là đưa vi khuẩn vào muỗi vằn nhằm khống chế sự lan truyền một số loại bệnh do muỗi vằn gây ra như sốt xuất huyết, Zika, chikungunya và sốt vàng da.

Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh thông qua các hộp thả muỗi được treo trong khu dân cư. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ kết đôi với muỗi tự nhiên tại địa phương. Theo thời gian, số lượng muỗi mang Wolbachia sẽ tăng dần cho tới khi lượng muỗi mang Wolbachia đủ nhiều mà không cần phải thả thêm.

Tin cùng chuyên mục