Tết với người nghèo thành thị

“Người ta có nhiều tiền người ta ăn tết lớn. Mình không có hoặc có ít thì ăn tết nhỏ thôi. Như 30 Tết này nè, tôi cũng nấu cho con nồi thịt kho hột vịt nho nhỏ. Đi bán ngoài đường lam lũ, người này người kia thương, cho ít cái bánh về ăn. Vậy là cũng có tết”, cô Nguyễn Thị Oanh (52 tuổi, quê ở Tiền Giang, làm nghề bán vé số) nói gọn lỏn, thiệt thà về tết của mẹ con mình.

Vẫn kiếm sống ngày tết

Chiều mùng 1 Tết, cô Nguyễn Thị Oanh vẫn ngồi rao bán vé số trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Người đi qua đi lại ghé mua để cầu may đầu năm, tặng bạn bè, hay có người mua chỉ để ủng hộ cô Oanh.

Cô chia sẻ: “Đây đã là tết thứ mười mấy tôi ở lại TPHCM để kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, nuôi 2 con nhỏ. Ngày tết bán không phải cạnh tranh do nhiều người cùng nghề đã về quê. Mình nghèo, không có tiền về quê nên năm nào cũng tranh thủ dịp này đi bán”.

Trong lúc mẹ đang bán, cô con gái 7 tuổi, tên Gia Hân, chơi một mình quanh quẩn gần đó. Cô bé mặc áo quần cũ kỹ, tóc tai không được chải gọn gàng, nhưng trong tay cũng có một thú nhồi bông và 2 búp bê.

Nhìn về phía con gái, cô Oanh kể: “Đồ chơi vừa mới được hai cô chú ghé trước cổng bệnh viện cho đó, cháu cứ ôm suốt chiều giờ. Ngay trước tết, đứa con gái lớn 13 tuổi của tôi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì sốt. Tôi nhờ chị điều dưỡng và mấy người nhà bệnh nhi khác chăm giùm con gái lớn, rồi dẫn đứa nhỏ đi bán vé số kiếm tiền. Người đi đường thương cũng cho hộp bánh, túi hột dưa mang về”. 

Tết với người nghèo thành thị ảnh 1 Ngày tết, bé Gia Hân theo mẹ bán vé số
Dù đã mùng 1 Tết, nhưng dì Nguyễn Thị Bé (65 tuổi, quê ở Bình Phú, Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn cặm cụi đi lượm ve chai. Bị bệnh cườm mắt, chưa có tiền chữa trị, lại không nghề nghiệp, chồng mất  cách đây 1 năm, không còn bất cứ người thân nào để nương tựa, không con cái… dì Bé lên TPHCM, quanh năm kiếm sống bằng công việc nhặt rác. Ở một góc hẻm nhỏ, là nơi dì cất giữ  những chai nhựa lượm được và bao ni lông đựng áo quần cũ.

Dì Bé cười, khoe: “Của dì hết đó. Con thấy tết này dì lượm ve chai được nhiều không nè. Túi áo quần này cuối năm người ta cho dì. Tết của dì là chút vui, khi trên những ngả đường ngược xuôi có ai đó kêu “Dì ơi, con để dành cho dì túi ve chai nè”, hay khi được ông chủ vựa ve chai lì xì cho 200.000 đồng”. 

Tình người trên phố

7 giờ tối mùng 1 Tết, giữa dòng xe dòng người hối hả du xuân, có một đôi nam nữ chở nhau tới góc đường Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng, trên xe máy của họ còn mang theo rất nhiều túi đồ ăn.

Dừng lại bên vỉa hè, cô gái cầm một túi đồ ăn tiến lại chỗ bà cụ dáng vẻ lam lũ bên vỉa hè, nói: “Dì ơi, con gửi dì hộp cơm và bao lì xì nhỏ nè. Dì cầm đi!”.

Bà cụ vô gia cư cầm hộp cơm, cảm ơn rối rít. Cô gái đứng hỏi thăm, nắm tay bà cụ một hồi rồi lên xe đi tiếp. Trời về đêm càng lạnh, nhưng trên các ngả đường TPHCM vẫn có nhiều bạn trẻ của các nhóm thiện nguyện âm thầm mang chút niềm vui tết đến với người nghèo sống lang thang.

Nhiều bạn trẻ chịu khó đi tiếp nhận những bộ quần áo cũ sạch sẽ để tặng người vô gia cư. Người có chút đỉnh tiền thì ầm thầm đến lì xì cho bệnh nhân ở các bệnh viện và tặng một số nhu yếu phẩm cho những người vô gia cư. 

Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, bà Đặng Thị Minh Nhơn (60 tuổi, quê ở Lai Vung, Đồng Tháp) thường đi lượm ve chai để sống, ngủ lề đường, góc chợ khi đêm về.

Bà Minh Nhơn kể: “Những bữa tết này ngày nào cũng vậy, tới giờ cơm trưa và chiều là có người tốt bụng mang cơm lại cho trước cổng Bệnh viện Ung bướu. Cơm có thịt, hột vịt, rau củ đầy đủ. Ngày tết họ vẫn nấu rồi đi phát cơm. Còn có nước uống nữa. Nhiều người tử tế lắm. Hổm rày ở đây mọi người cho quà nhiều lắm, có cả bánh kẹo để ăn tết luôn. Mới mùng 2 này, còn có người dù không quen biết gì vẫn cho bà tiền vé xe về quê. Mừng lắm!”.

Tết vẫn âm thầm đến với những người nghèo lang thang kiếm sống trên đường phố, lặng lẽ như cách người TPHCM quan tâm âm thầm mà hào phóng, trao những hộp cơm, ổ bánh mì, bao lì xì ấm tình ngày tết. Lòng tốt dù rất nhỏ, không đánh trống, khua chiêng nhưng làm ấm lòng người nhận, xúc động người cho.

Tin cùng chuyên mục