Tết truyền thống an vui

Theo ghi nhận, những ngày đầu năm Canh Tý 2020, bên cạnh không khí náo nức đón xuân, người dân và du khách cũng e dè hơn khi xuất hiện ở những khu vực đông người, đặc biệt là nơi có đông khách du lịch, bởi tâm lý lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Hình ảnh người dân du xuân không quên… khẩu trang y tế đã không còn lạ lẫm.

Gắn kết truyền thống

Đón chào năm mới đúng thời điểm miền Bắc ở tâm điểm của đợt rét đậm, rét hại, song giữ nếp du xuân đi lễ đầu năm, nhiều điểm di tích tâm linh nổi tiếng của Hà Nội luôn rộn ràng như: Phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Trong những ngày đầu năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ước tính đón hơn 80.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống. 

Người dân xin chữ đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: MAI AN
Trong khi đó, đến đình làng Cam Giá (xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vào ngày mùng 5 Tết, cảm nhận không khí nô nức khi các cụ cao niên trong làng tất bật cho công việc vót cây bông và chuẩn bị các nghi thức tế lễ đầu xuân. Cây bông làm từ tre, là biểu tượng của cây lúa được vót thành chùm, uốn cong, gắn thêm giấy xanh, đỏ đủ sắc, sau đó sẽ được dựng thành cây lớn giữa sân đình chuẩn bị cho ngày tế lễ vào mùng 7 Tết. Sau lễ tế, từng cây bông nhỏ sẽ là phần lộc phát cho từng hộ gia đình trong làng, con dân đi làm ăn xa, hay khách thập phương về dự hội.   

Khoảng sân trước điện Thái Hòa - Đại nội Huế vào sáng mùng 2 Tết là nơi diễn ra chương trình “Âm sắc cung đình” rộn rã tiếng nhạc, lời ca cùng những tràng vỗ tay không dứt của du khách. Ấn tượng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật là biểu diễn trích đoạn tuồng Tam tinh chúc thọ vừa được phục hồi, bảo tồn. Đây là một trong số 11 vũ khúc cổ hát bằng chữ Hán còn được lưu truyền đến nhà Nguyễn. Anh Nguyễn Quang Hóa, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Không phải ai cũng hiểu hết những ca từ cổ, nhưng từng động tác, ánh mắt, nụ cười cùng âm thanh réo rắt tươi vui mà các nghệ sĩ biểu diễn trong không gian ngập tràn sắc xuân đã phần nào giúp du khách hiểu thêm về nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc đất cố đô Huế”.

Tại Hội hát cầu Huê ở An Khê, Gia Lai, trong bộ áo dài khăn đóng cẩn thận thắp nén hương làm lễ, ông Văn Minh Tỵ (87 tuổi, tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai) cho biết, hơn 60 năm qua, Hội hát cầu Huê gần như mai một, đặc biệt là hoạt động của khu chợ Kinh - Thượng với nhiều tập tục dân gian dường như mất hẳn. “Việc tái hiện lại Hội hát cầu Huê trên quê hương An Khê có ý nghĩa rất lớn, giúp thế hệ trẻ sau này biết được những nét văn hóa tinh thần đặc sắc của ông bà ta xưa kia”, ông Ty nói.   

Nô nức du xuân

Dưới cái nắng gắt của phương Nam, dù lo lắng bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp nhưng người dân vẫn nô nức du xuân. Tại TPHCM, có hơn 1 triệu lượt khách đến với Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020 trong 7 ngày diễn ra. Năm nay, theo nhận định của nhiều người dân, đường hoa được bố trí khoa học với những tiểu cảnh được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, xen lẫn là những chú linh vật chuột khá xinh xắn. Trong khi đó, lễ hội Đường sách Xuân Canh Tý tại TPHCM cũng đem lại những kết quả khả quan từ doanh thu, với số tiền thu được từ bán sách là hơn 3,6 tỷ đồng.  

Người dân TPHCM xem biểu diễn nghệ thuật trên đường hoa Nguyễn Huệ
Tại ĐBSCL, rất đông người dân, khách du lịch trong và ngoài nước đến vui xuân ở các điểm tham quan, giải trí… Ở Cần Thơ, một trong những nơi thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi, chụp ảnh lưu niệm đó là đường hoa xuân, có chủ đề “Xuân hy vọng”.  Tại An Giang, một điểm đến thu hút đông du khách trong những ngày đầu xuân là Núi Cấm, đã đón khoảng 100.000 lượt khách đến vui chơi; trong đó có khoảng 60.000 lượt khách đi cáp treo lên đỉnh Núi Cấm… 

Theo ghi nhận, ngoài việc miễn vé tham quan đối với du khách Việt Nam trong 3 ngày tết, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn liền với những giá trị của di sản văn hóa cung đình Huế, như: lễ đổi gác, các trò chơi cung đình, trình tấu nhã nhạc, múa lân sư rồng, múa võ cổ truyền, biểu diễn âm nhạc cung đình… Các hoạt động đã thu hút rất đông du khách tới tham quan, thưởng lãm dù thời tiết  mưa rả rích. Những ngày tết, rất đông du khách quốc tế cũng đến Huế để ăn tết Việt. “Tết Huế” đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hút rất riêng biệt.

Vui trong lo lắng

Đà Nẵng là thị trường du lịch với lượng du khách đến từ Trung Quốc khá cao. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (Sở Y tế) đã triển khai giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt từ xa. Ngoài ra, từ ngày 25-1, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã áp dụng tờ khai y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, tại Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan, du lịch ước đạt 335.735 lượt, tăng nhẹ 2% so với dịp tết năm ngoái. Tuy nhiên do tâm lý lo ngại về dịch bệnh viêm phổi cấp và việc tạm dừng một số đường bay quốc tế nên lượng khách lưu trú giảm 15%-20%. Trong khi đó, tại 2 điểm đến là phố cổ Hội An và Cố đô Huế, lượng du khách đến tham quan cũng giảm so với tết năm ngoái. Nhiều người đến tham quan Hội An trong những ngày này đều bịt kín khẩu trang khi dạo phố. Thậm chí, có cửa hàng dán thông báo tạm dừng đón khách Trung Quốc.

Chính quyền TP Hội An yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thay thế, sửa chữa nhanh các thiết bị ở các điểm vệ sinh công cộng bị hư hỏng, tăng cường các dung dịch vệ sinh sát khuẩn tại các điểm công cộng. Đồng thời, đề nghị các cơ sở lưu trú tuyệt đối không nên có thái độ phân biệt, từ chối phục vụ khách du lịch, trong đó có du khách là người Trung Quốc. Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm soát, hướng dẫn các nhân viên thường xuyên cập nhật thông tin, các dấu hiệu nhận biết mắc bệnh và biện pháp phòng tránh tại điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch về dịch viêm phổi cấp và đề nghị công ty lữ hành không đưa đón khách từ vùng có dịch bệnh. 

TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, trong đó đề xuất việc tạm thời đóng cửa các đường bay, tuyến đường biển, đường bộ đến và đi từ các vùng có dịch. Ngành y tế TP Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (sân bay, bến cảng) 24/24 giờ; tăng cường giám sát cộng đồng, thực hiện tốt quy trình xử lý, cách ly. TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị Chính phủ không cấp hộ chiếu cũng như không phục vụ tour từ những vùng dịch. Trong khi tạm dừng một số đường bay liên quan đến vùng dịch, Sở Du lịch TP Đà Nẵng triển khai các kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, tìm kiếm những thị trường tiềm năng và khai thác các đường bay quốc tế trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục