Tết nội - tết ngoại

“Mẹ vừa gọi vào bảo nếu không về nội ăn tết thì cho thằng Bon về. Tôi quyết rồi, cô đặt vé cho ba con tôi về Nghệ An, cô thích thì về ngoại một mình”, anh Cao Minh Chính, (38 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) nói dứt khoát với vợ.

Đến hẹn lại lên

Nghe chồng nói như vậy, nước mắt chị Phạm Thu Cúc (vợ anh Chính) chực trào. Quê chị ở Hải Phòng, quê chồng ở Nghệ An, anh chị vào TPHCM học tập, làm việc rồi lấy nhau. Sau 6 năm đi lấy chồng, chưa năm nào chị Cúc được về quê ngoại ăn tết. Tết năm đầu, chị Cúc có thai, mẹ chồng “lệnh” cho vợ chồng chị phải về quê nội để chào họ hàng kẻo năm sau con nhỏ không đi được đến đâu.

Năm thứ 2, ba chồng chị bệnh nặng, mẹ chồng lại đưa ra “chỉ thị” tết phải về nội để ông cháu gần nhau. Ba chồng chị Cúc nằm một chỗ 3 năm, năm nào chị cũng nén nỗi buồn khi nghĩ đến cảnh bố mẹ già thui thủi đón tết ở quê để vẹn hiếu với gia đình chồng. 

Sau khi ba chồng mất, với lý do ba mất năm đầu nhà vắng vẻ nên vợ chồng chị vẫn phải ăn tết trọn vẹn ở quê chồng. “Năm nay không còn lý do gì thì mẹ chồng tôi ra điều kiện phải cho cháu về nội, vợ chồng tôi muốn ăn tết ở đâu thì ăn. Cả mẹ chồng và chồng tôi đều biết tôi không nỡ để 2 đứa con nhỏ xa mình trong ngày tết nên mới vậy”, chị Cúc nghẹn lời.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày cận tết, khi các hãng máy bay, tàu hỏa hay bến xe rục rịch bán vé tết thì nhiều cặp vợ chồng tha hương cũng xảy ra không ít bất đồng xoay quanh chuyện tết về nội hay về ngoại. Dù xã hội đã văn minh, không còn phân biệt nội - ngoại như trước đây, nhưng xem chừng một bên vẫn có phần lép vế mỗi dịp tết đến, xuân về. Chẳng riêng gia đình anh Chính, nhiều gia đình khác cũng hục hặc bởi không thống nhất được sẽ ăn tết ở đâu.

Tết nội - tết ngoại ảnh 1 Ai cũng mong được đoàn viên gia đình mình vào những ngày tết

Dù hai quê chỉ cách nhau hơn mấy giờ ngồi xe, quê chị Lưu Hải Vân (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) ở Gia Lai còn nhà anh Dương Văn Thành (chồng chị) ở Bình Định, nhưng tết năm nào vợ chồng chị cũng xảy ra “cuộc chiến”. Trong 4 năm làm dâu thì 3 năm đầu chị Hải Vân đều chủ động lên kế hoạch 30 Tết về quê nội, đến tối mùng 2 thì lên quê ngoại rồi hết tết vào TPHCM luôn.

Song, năm nào anh Thành cũng nhậu say bí tỉ, rồi vui miệng mời người này người kia tới nhà chơi, thành thử cả 3 năm chị Hải Vân đều thất hẹn với bên ngoại vì phải ở lại nhà chồng phục vụ cơm, nước. Có chăng, chị chỉ nháo nhào về thăm ông bà được một ngày rồi lại tất tả vào TPHCM đi làm. Năm nay chị Hải Vân quyết tâm đưa con về ngoại trước, sau đó mới về nội, mặc anh Thành và gia đình chồng không vừa lòng. 

“Ba chồng tôi cũng có nói bóng gió rằng, phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, tết nhất phải chu toàn nhà chồng xong mới tính đến nhà ngoại. Rồi nào là để con trai ông đón giao thừa ở nhà vợ, khác nào cả năm lang bạt, không gốc gác, gia tiên. Thậm chí mẹ chồng còn lo tôi về ngoại trước thì sắm sửa tốn kém… Nhưng lần này tôi quyết rồi, vài năm vun vén ở nhà nội thì cũng phải có năm được lo cho nhà ngoại chứ”, chị Hải Vân phân trần. Thuyết phục vợ không được, lại áp lực từ gia đình, anh Thành chán nản ra mặt, gần 2 tháng nay chỉ vì tết nội - tết ngoại mà trong nhà lúc nào cũng căng như dây đàn.  

Dĩ hòa mới bền chặt

Ngày tết, ngày đoàn viên, ai cũng muốn được sum họp với người thân của mình, chồng hay vợ đều mong muốn như vậy. Song, làm sao để cả hai cùng thoải mái, để bạn đời của mình thấy được giá trị của bản thân và của gia đình mình trong mắt đối phương, cần sự tôn trọng, nhất là biết sẻ chia, quan tâm đến cảm xúc của bạn đời và không nên có chỗ cho sự vô tâm.

Vợ chồng Nguyễn Duy Đông (ngụ quận 12, TPHCM) cưới nhau gần 11 năm nay nhưng có tới 15 năm xa xứ. Mấy năm đầu thành vợ thành chồng, anh vẫn giữ quan điểm phải về quê nội ở Phú Thọ đón tết, muốn về ngoại ở Khánh Hòa thì về vào dịp hè. Dù không phản đối nhưng nét buồn trên gương mặt chị Thảo (vợ anh) trong những ngày tết không thể qua được mắt chồng. Hiểu điều ấy, từ năm thứ 3, anh đều đặn chia lịch ăn tết.

“Cứ năm nay ăn tết ở nội thì hè về ngoại, năm sau ăn tết ở ngoại thì hè về nội. Lúc đầu, ông bà nội cũng không bằng lòng nhưng tôi kiên trì thuyết phục, phân tích hoàn cảnh hai bên nên ông bà cũng thông cảm”, anh Đông chia sẻ.

“Ba mẹ có ơn sinh thành, dưỡng dục mình thế nào thì ba mẹ vợ cũng sinh thành, dưỡng dục vợ như vậy nên xưa nay tôi không đồng ý với quan điểm lấy cái uy nhà chồng ra để áp đặt cho vợ con”, anh Vũ Bình Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nêu quan điểm. Bởi vậy mà ngày tết, anh luôn giục vợ phải cân bằng thời gian dành cho cả hai gia đình.

Song, cũng may mắn là ba mẹ anh Minh thuộc tuýp người hiện đại, lại có con gái lấy chồng xa nên hiểu tâm lý của bậc làm cha làm mẹ, không quá nặng nề dâu con phải đón tết ở đâu, miễn là các con vui vẻ, hạnh phúc đón năm mới là được.  

Rõ ràng, mỗi năm chỉ có vài ngày tết, ăn tết ở nội hay ngoại không quan trọng, mà ăn tết trong không khí như thế nào và làm gì để những ngày rộng tháng dài phía trước là những ngày vui, mới là điều cần lưu tâm. Hơn nữa, khi con cái hục hặc chuyện tết nội hay tết ngoại, chắc hẳn chẳng ông bố, bà mẹ nào thấy vui, bởi khi ấy niềm vui đoàn viên chỉ còn là sự gượng ép từ một phía.

Tin cùng chuyên mục