Tết này về hay ở? - Lại thêm những “rào cản” kỳ lạ

Tiếp tục ghi nhận từ các địa phương, sự sợ hãi dịch Covid-19 được nhân lên bằng những cách làm không giống ai. Tưởng chừng đường về quê nhà trong dịp tết âm lịch dễ dàng, nhưng hóa ra càng thêm xa xôi dịu vợi!. 
Một khu vực tại phố cổ ở Hà Nội phải phong tỏa vì có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một khu vực tại phố cổ ở Hà Nội phải phong tỏa vì có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

“Khuyên” ở lại, lập khu cách ly

Những ngày tết đến cận kề, anh Thanh Hải (quê Thanh Hóa), làm việc tại quận 3, TPHCM, vò đầu nói: “Gia đình tôi lên kế hoạch về quê ăn tết, vì gần 2 năm rồi chưa về. Bây giờ hay tin TP Thanh Hóa khuyến cáo không nên về, tôi không biết làm sao nữa?”. 

Câu chuyện xuất phát từ việc TP Thanh Hóa ra thư ngỏ: vận động con em, người thân đang sinh sống, học tập, công tác xa quê tạm thời không nên về quê trong dịp trước, trong và sau tết với lý do “bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết”. Thư ngỏ của TP Thanh Hóa lập tức nhận phản ứng từ dư luận. Giải thích sự việc, ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa cho rằng, việc đưa ra lời kêu gọi là của 4 cơ quan, để khuyến cáo chứ không phải “cấm này cấm kia”. Người dân về quê thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và địa phương. Về ý kiến cho rằng việc khuyến cáo người dân không về quê dịp tết cổ truyền là chưa được nhân văn lắm, ông Hùng nói “không đồng tình với quan điểm này”.

Ngày 7-1 trao đổi với báo SGGP, ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng Phòng Y tế huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, khẳng định, địa phương không yêu cầu hay bắt buộc người dân di chuyển từ vùng này qua vùng khác phải test, xét nghiệm trả phí.
Trước đó, một số người dân ở xã Cát Tài đang làm việc tại TPHCM phản ánh với báo SGGP, tại trạm y tế xã, dù người dân về quê đã tiêm đủ vaccine, song nhân viên tại đây vẫn buộc phải test Covid-19 và tự trả phí, kể cả khi giấy xét nghiệm người dân vẫn còn hiệu lực 72 giờ!

Lại thêm một địa phương vận động bà con không nên về quê, đó là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong văn bản số 2065/UBND-YT do ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký ban hành ngày 30-12-2021. Văn bản yêu cầu các địa phương “chủ động rà soát, lập danh sách công dân của địa phương mình đang sinh sống, học tập, làm việc ở các vùng có dịch đang có nhu cầu về quê trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần để vận động hạn chế về nếu không thực sự cần thiết”. Chưa hết, văn bản lại yêu cầu người dân, nếu có nhu cầu về thì chủ động về trước ngày 25-12 (âm lịch) để thực hiện cách ly y tế theo quy định (trường hợp ở các vùng dịch có nguy cơ cao về sau ngày 25-12 âm lịch thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung)”. Nội dung này khiến nhiều người dân xa quê bức xúc, khiến đường về quê nhà thêm xa xôi dịu vợi! Giải thích về những khuyến cáo kỳ quặc nói trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Y tế huyện Kỳ Anh, cho biết, là do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Kỳ Anh đã họp thống nhất, quyết định. Mục đích là không để dịch xảy ra trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân ăn tết.

Tránh việc “ngăn sông cấm chợ”

Chia sẻ với báo chí về việc những quy định khác nhau của các địa phương về phòng chống dịch, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc bắt buộc xét nghiệm hay cách ly người về từ vùng có dịch hiện nay là không thuyết phục, chúng ta phải thích ứng với dịch bệnh khi hầu hết người dân đã được tiêm vaccine. “Sống chung với dịch cũng có nghĩa là không thể phong tỏa, đóng cửa như trước. Hiện nay một số nước đã mở cửa cho người Việt Nam tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể sang nước họ, thì việc ở trong nước, tỉnh này cấm tỉnh kia là vô lý”, PGS-TS Nguyễn Huy Nga chỉ rõ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng, hiện tỉnh thành nào trong cả nước cũng có dịch nên cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa dịch bệnh, giúp người dân về quê đón tết an toàn, thay vì ra quy định gây khó dễ, bất cập. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, cho rằng, các tỉnh thành cần thường xuyên đánh giá nguy cơ từ cấp thấp nhất là phường, xã, xem xét kịch bản dịp tết để quyết định cho phép hay hạn chế những hoạt động gì; luôn ưu tiên hoạt động thiết yếu, tránh việc ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và an sinh của người dân, đặc biệt trong dịp tết đến xuân về.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: 

Các địa phương phải bãi bỏ các quy định trái Nghị quyết 128

Nghị quyết 128 yêu cầu chúng ta thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả nhưng không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác, không nóng vội trong công tác phòng chống dịch, vừa làm vừa nghiên cứu đưa ra giải pháp phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế.

Địa phương có thể linh hoạt áp dụng biện pháp phòng dịch cụ thể nhưng không được trái các quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất và việc đi lại của người dân. Tôi đề nghị một lần nữa, các địa phương không đưa ra biện pháp bổ sung không phù hợp Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục