Tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên có thể bắn đến một vùng rộng lớn đất liền Mỹ

Một vùng rộng lớn đất liền Mỹ, gồm Los Angeles, Denver và Chicago, nằm trong tầm bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thứ 2 mà CHDCND Triều Tiên vừa phóng thử đêm 28-7.
KCNA công bố hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 ngày 4-7-2017
KCNA công bố hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 ngày 4-7-2017
Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, tên lửa Triều Tiên được phóng vào lúc 11 giờ 41 tối 28-7 từ tỉnh Jagang, Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc, đã đạt độ cao khoảng 3.700 km và bay 47 phút 12 giây trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, khi đã vượt quãng đường khoảng 1.000 km.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau đó, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn cấp và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên.
Kyodo dẫn phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, tên lửa Triều Tiên đã được phóng theo quỹ đạo rất dốc để hạn chế tầm xa và rơi xuống phía Tây đảo Hokkaido của Nhật Bản, sau khi bay lâu hơn so với ICBM đầu tiên phóng thử hôm 4-7.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố vụ phóng tên lửa mới nhất này là "mối đe dọa nghiêm trọng và thực sự" với an ninh quốc gia và Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước để áp lực Triều Tiên chấm dứt các chương trình tên lửa.
Theo AP, tại Washington, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại úy Hải quân Jeff Davis cho biết: "Chúng tôi xác định đây là một ICBM, như đã dự đoán".
Theo các nhà phân tích, ICBM thứ 2 của Triều Tiên đã mở rộng tầm bắn đáng kể so với ICBM đầu tiên Hwasong 14 phóng thử ngày 4-7.
ICBM đầu tiên cũng đã phóng theo quỹ đạo rất dốc để hạn chế tầm xa và đạt độ cao hơn 2.500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, trong vụ thử này tên lửa di chuyển được 930 km. Nếu phóng theo quỹ đạo tấn công, ICBM đầu tiên này có khả năng tiếp cận hầu hết Alaska hoặc Hawaii của Mỹ.
David Wright, nhà vật lý và đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu cho biết, theo thông tin về độ cao và thời gian bay, tên lửa thứ 2 của Triều Tiên có tầm bay theo lý thuyết ít nhất 10.400 km, nghĩa là có thể bắn tới Los Angeles, Denver và Chicago, tùy kích cỡ và khối lượng đầu đạn trong một cuộc tấn công thực sự.
Bruce Klingner, chuyên gia về vấn đề Hàn Quốc và Nhật Bản tại tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation ở Washington, người gần đây đã gặp các quan chức Triều Tiên để thảo luận về phi hạt nhân hóa, nhận định rằng, hiện nay một phần lớn đất liền Mỹ đang nằm trong tầm bắn tên lửa Triều Tiên.
Mỹ và các đồng minh ngày càng quan ngại Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong mục tiêu đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm bắn tên lửa. Còn những rào cản gồm xây dựng đầu đạn hạt nhân phù hợp tên lửa và đảm bảo độ tin cậy, nhưng nhiều nhà phân tích đã ngạc nhiên trước việc Bình Nhưỡng đã nhanh chóng phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không để cho Triều Tiên có được ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng tuần này, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) mới kết luận rằng Triều Tiên sẽ có một ICBM đáng tin cậy có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào đầu năm tới, sớm hơn 2 năm so với đánh giá trước đó của chính DIA.
Triều Tiên thường thử tên lửa và hạt nhân vào buổi sáng và rất hiếm khi vào đêm khuya như lần này. Việc phóng thử tên lửa vào gần đêm giữa và từ tỉnh Jagang xa xôi được cho là nhằm chứng tỏ khả năng răn đe thực sự, khi có thể phóng vào mọi thời điểm và từ mọi địa điểm, làm giới quan sát quân sự nước ngoài khó phát hiện.

Tin cùng chuyên mục