Telehealth - Cuộc cách mạng số trong ngành y tế - Bài 1: Thu hẹp không gian, nối liền khoảng cách

LTS: Đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngành y tế phải đẩy mạnh phát triển mô hình mới: Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) dựa trên nền tảng công nghệ số. Sau 1 năm triển khai Telehealth, từ 34 bệnh viện tuyến trên được Bộ Y tế giao làm bệnh viện hạt nhân, đến nay cả nước đã có hơn 1.500 điểm cầu được kết nối giữa các cơ sở y tế tuyến dưới với bệnh viện tuyến trên, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.

Telehealth đã giúp việc hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa trở thành thường quy giữa nhiều cơ sở điều trị trong cả nước. Qua đó đã có nhiều bệnh nhân nặng được điều trị, cứu sống ngay tại tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong mùa dịch Covid-19, Telehealth bước đầu đã chứng minh được các hiệu quả thiết thực, giúp giảm tải bệnh viện đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường bệnh viện.

Thật và gần hơn với người dân

Là một trong nhiều bệnh viện (BV) tuyến dưới được hưởng lợi nhờ Telehealth, bác sĩ Phan Văn Nhân, Khoa Ung bướu BV Đa khoa Bình Định (tỉnh Bình Định) cho biết, Telehealth đã giúp BV khám chữa bệnh thành công nhiều ca nặng, có trường hợp người bệnh đang cận kề “cửa tử” được cứu sống mà không cần chuyển tuyến.

Hào hứng kể với chúng tôi về một trường hợp đặc biệt vừa mới hội chẩn, điều trị thành công nhờ sự hỗ trợ của BV Ung bướu TPHCM, bác sĩ Phan Văn Nhân cho biết, nữ bệnh nhân L.T.K.T. (50 tuổi, trú TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) từng bị ung thư vú đã điều trị, ung thư cổ tử cung cũng đã phẫu thuật và xạ trị. Kết quả siêu âm, chẩn đoán phát hiện bệnh nhân có nhiều khối u phổi, nghi ngờ ung thư phổi tái phát và di căn.

Telehealth - Cuộc cách mạng số trong ngành y tế - Bài 1: Thu hẹp không gian, nối liền khoảng cách ảnh 1 Bệnh viện Ung bướu TPHCM hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với 
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Tại cuộc hội chẩn trực tuyến, 2 BV đã trao đổi hình ảnh, thông tin cho chính xác và BV Ung bướu TPHCM đã cử bác sĩ ra BV Đa khoa Bình Định hỗ trợ làm sinh thiết, thống nhất lựa chọn phương án phẫu thuật triệt căn và điều trị hỗ trợ sau mổ cho bệnh nhân.

Bên cạnh kết nối với BV Ung bướu TPHCM, BV Đa khoa Bình Định còn kết nối với BV Nhi đồng 1 TPHCM trong điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhi trên địa bàn tỉnh…

“Nhờ mô hình Telehealth, BV Đa khoa Bình Định đã xử lý được nhiều ca bệnh khó, phức tạp, tạo thuận lợi cho bệnh nhân có cơ hội được điều trị bằng phương pháp tốt nhất với các chuyên gia đầu ngành, nhưng quan trọng nhất là giúp bệnh nhân và người nhà tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, bác sĩ tuyến cơ sở có thêm cơ hội học tập, cập nhật những phương pháp mới trong điều trị, phẫu thuật”, bác sĩ Phan Văn Nhân chia sẻ.

Còn tại Bến Tre, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nhi, BV Nguyễn Đình Chiểu cho biết, vào chiều thứ năm hàng tuần, BV đều có hội thảo chuyên môn trực tuyến với BV Nhi đồng 1 TPHCM, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM…, các bác sĩ tại khoa rất hào hứng tham gia sau khi xong việc, không phải đi xa mà vẫn tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm.

“Việc khám điều trị thông qua Telehealth” được khoa thực hiện rất linh hoạt. Đối với những ca bệnh cần hội chẩn thì BV chủ động kết nối Zalo, Viber với bác sĩ BV tuyến trên, thông qua đó sẽ gửi bệnh án, phim XQ, kết quả siêu âm, xét nghiệm…, những màn hình hiển thị thông số của bệnh nhân, hoặc cần thiết sẽ thực hiện cuộc gọi video quay trực tiếp tại giường bệnh nhân để bác sĩ BV tuyến trên hội chẩn. Qua đó cứu sống nhiều trường hợp mà ban đầu đã tiên lượng nặng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án Telehealth giai đoạn 2020-2025, đến nay sau 1 năm, BV Đại học Y Hà Nội đã kết nối với gần 200 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã trong nước và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc.

Giám đốc BV Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) Phạm Mạnh Công cho biết, với việc kết nối Telehealth đã mở ra trang mới trong khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn cũng như các vùng lân cận được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại vùng sâu, vùng cao.

“Chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, BV Đa khoa khu vực Bắc Quang đã kết nối với các chuyên gia hàng đầu của BV Đại học Y Hà Nội để khám, hội chẩn tư vấn và kê đơn trực tuyến cho trên 50 ca bệnh phức tạp về: tim mạch, cơ xương khớp, ung bướu, nội tiết, ngoại tiết niệu, thần kinh - cột sống. Điều này không chỉ thúc đẩy công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại cơ sở. Cùng với đó, với khám bệnh từ xa, BV còn hướng tới “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, giảm tập trung đông người tại bệnh viện; giảm chi phí khám chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân”, ông Phạm Mạnh Công nhấn mạnh.

Những tín hiệu khả quan

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, BV là đơn vị tiên phong triển khai Telehealth khi dịch Covid-19 bùng phát. Đến nay, sau 1 năm việc triển khai ứng dụng Telehealth, tại BV và các cơ sở y tế đã diễn ra hàng trăm buổi hội chẩn, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật điều trị.

Trong các buổi hội chẩn, tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội thường có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, hồi sức, ung bướu, dinh dưỡng, huyết học, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh... để sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ cho các y, bác sĩ tuyến dưới về các ca bệnh khác nhau.

Đặc biệt, hầu hết các trường hợp mà cơ sở tuyến dưới đưa ra hội chẩn đều là các ca bệnh nặng, phức tạp mà các bác sĩ ở cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, qua Telehealth, đến nay có trên 410 ca bệnh khó được điều trị kịp thời, chính xác và khỏi bệnh ngay tại BV tuyến dưới, giúp bệnh nhân không phải vất vả lên tuyến trên.

“Mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, hiện mỗi ngày BV tiếp nhận từ 3.600-4.000 bệnh nhân tới khám ngoại trú, có trên 600 bệnh nhân nội trú, trong đó 75% là bệnh nhân của các tỉnh, thành phố. Ước tính sẽ có khoảng 30% bệnh nhân ở các tỉnh, thành phố có thể khám chữa bệnh tại BV tỉnh khi triển khai Telehealth.

Chính vì vậy, khi BV được Bộ Y tế chỉ định tham gia đề án “Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025”, đã đem lại nhiều thuận lợi cho người bệnh, giúp BV giảm tải được bệnh nhân từ các tỉnh, thành đổ về khám chữa bệnh.

“Mỗi cuối tuần, BV Ung bướu TPHCM thực hiện tư vấn, hội chẩn một loại bệnh ung thư ở một tỉnh hoặc một đơn vị và số ca thực hiện mỗi lần phải được tính toán phù hợp. Mục tiêu là giúp cho các BV địa phương giữ được bệnh nhân muốn đến BV Ung bướu TPHCM để điều trị nếu thấy phù hợp.

Hiện BV Ung bướu TPHCM đã kết nối được 157 điểm cầu trực tuyến. Đặc biệt, hỗ trợ về chuyên môn, cùng hội chẩn, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh nặng đạt 170 ca”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn chia sẻ.

Còn tại BV Nhi đồng 1 TPHCM (đơn vị nhi khoa duy nhất miền Nam được Bộ Y tế giao nhiệm vụ khám, chữa bệnh từ xa), thông qua hệ thống trực tuyến Telehealth, trung tâm khám, chữa bệnh từ xa của BV cũng được khánh thành vào tháng 9-2020.

Từ thời điểm đó đến nay, BV đã tích cực triển khai các hoạt động, kết nối với 133 điểm cầu là các BV, trung tâm y tế tham gia mạng lưới, trải dài 25 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung, miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là sự tham gia của TP Phú Quốc (Kiên Giang) và huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Th.S-BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, từ khi triển khai đến nay, đội ngũ chuyên gia của BV đã thực hiện hội chẩn từ xa khẩn thông qua các ứng dụng Zalo, Viber với 90 cuộc hội chẩn khẩn, xoay quanh các vấn đề nặng, khẩn cấp trong hồi sức trẻ em như sốc nhiễm khuẩn, tay chân miệng nặng, thở máy nằm lâu, viêm cơ tim, lọc máu, viêm phổi nặng, ngộ độc cấp, rắn cắn, sốc phản vệ… Tổ chức được 19 buổi sinh hoạt chuyên đề, bình bệnh án trực tuyến định kỳ với nhiều chủ đề xen kẽ như sốt xuất huyết, tiêu hóa, tim mạch, thận nội tiết… thu hút trung bình mỗi buổi hơn 315 bác sĩ tham dự.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, triển khai ứng dụng Telehealth là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” còn có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Hơn nữa, với nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số y tế đến năm 2025, cả nước sẽ có 100% cơ sở y tế tham gia Telehealth, bao gồm cả các cơ sở của hệ thống y tế tư nhân.

Tin cùng chuyên mục