Tây Ninh thu hút đầu tư vào nông nghiệp

5 năm gần đây tỉnh Tây Ninh đã bứt phá vươn lên khi thu hút 367 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký hơn 4,5 tỷ USD và 43.898 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Bên cạnh các dự án đầu tư vào công nghiệp thì Tây Ninh đã thu hút được nhiều dự án lớn về nông nghiệp với quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cây mãng cầu, một đặc sản của tỉnh Tây Ninh
Cây mãng cầu, một đặc sản của tỉnh Tây Ninh

Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư

Thực hiện Nghị định số 210, ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NN-NT), UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 19, ngày 16-6-2017 quy định chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, mặc dù có 4 DN đề xuất dự án để thụ hưởng chính sách, nhưng do chưa đáp ứng thủ tục hồ sơ theo quy định, nên chưa có DN nào được thụ hưởng chính sách đặc thù của tỉnh. Tiếp đó, Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 45 ngày 15-12-2017 về hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, do tính hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp nên chưa thu hút được nhà đầu tư theo mục tiêu đề ra. 

Không chùn bước trước khó khăn, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 21 ngày 17-6-2019 quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất NNCNC trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (thay thế Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 15-12-2017). Kết quả, có 4 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí hỗ trợ 4,47 tỷ đồng; 4 dự án hội đồng thẩm định đã trình UBND tỉnh; 2 dự án được các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan đã họp xét và đóng góp ý kiến; 16 dự án trồng trọt, chăn nuôi đang được cơ quan chuyên môn hướng dẫn viết dự án.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tây Ninh thực hiện 10 hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực NN-NT cả nước ngoài và trong nước. Trong đó, tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Belarus, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil qua các hình thức như: tiếp xúc trực tiếp, tọa đàm, giao thương, hội chợ, hội thảo, khảo sát thị trường... với tổng kinh phí hơn 877 triệu đồng từ ngân sách. Kết quả đã có 17 doanh nghiệp tham dự, thu hút 3 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 48,2 triệu USD.

Về hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, đến nay tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành như: TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước; mời gọi các tập đoàn, công ty lớn đến đầu tư như: Công ty cổ phần Lavifood đầu tư Nhà máy Chế biến rau, củ, quả Tanifood và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đầu tư Trang trại bò sữa Vinamilk...Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tây Ninh đã thu hút 40 dự án đầu tư trong nước vào lĩnh vực NN-NT với tổng vốn đăng ký hơn 3.608 tỷ đồng; tập trung vào phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi; bảo quản, chế biến nông sản. Đáng chú ý, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần tạo đòn bẩy cho các dự án khác có thể tiếp cận và đầu tư vào ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh, đánh giá: “Các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào NN-NT được ban hành kịp thời, tích cực triển khai, phổ biến đến các đối tượng thụ hưởng, đến nay các chính sách đã từng bước phát huy được tính lan tỏa và hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến đầu tư vào NN-NT cơ bản đã phát huy hiệu quả, đã thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực NN-NT của tỉnh”. 

Lĩnh vực ưu tiên đầu tư 5 năm tới

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT thời gian qua từng bước được ban hành, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tỉnh đang sắp xếp để tạo quỹ đất công thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản sạch, công nghệ cao.

Trong giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh tiếp tục chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao, phù hợp mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, từ cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh các nông sản của tỉnh. Tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể: Nỗ lực thu hút được ít nhất 1 nhà máy sản xuất chế biến, bảo quản rau quả, cây ăn trái gắn với vùng nguyên liệu; 1 nhà máy chế biến, giết mổ gia súc hiện đại; 1 nhà máy chế biến thủy sản; 1 nhà máy chế biến sữa; thu hút các doanh nghiệp sản xuất NNCNC, đến năm 2025 có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương.

Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài 240km giáp Vương quốc Campuchia với 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ với các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, quốc lộ 22B… là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế của các tỉnh vùng Đông Nam bộ. 

Tin cùng chuyên mục