Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới xuất khẩu

Những năm gần đây, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Tây Ninh được đưa vào hoạt động đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo cú hích thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
Mô hình trồng cây đinh lăng kết hợp áp mái pin năng lượng mặt trời
Mô hình trồng cây đinh lăng kết hợp áp mái pin năng lượng mặt trời

Đổi thay nhờ tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi

 Trước đây, một số vùng ven sông Vàm Cỏ Đông như ở xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đất đai bị nhiễm phèn, nhiều loại cây trồng không thể sinh trưởng, giờ đây đã hồi sinh khi có ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sáu (xã Bình Thạnh) đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha đất lúa, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây khóm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn với lợi nhuận đạt khoảng 70 triệu đồng/ ha/ năm, cao gấp gần 3 lần so với trồng lúa trước đây.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới cũng đã mang lại hiệu quả như trồng dưa lưới ở huyện Bến Cầu, trồng rau ở huyện Dương Minh Châu.

Với mô hình trồng dưa lưới, gia đình anh Đoàn Văn Nhân (thị trấn Bến Cầu) đã chuyển đổi đất trồng lúa trước đây và đầu tư gần 300 triệu đồng để trồng 2.400 gốc dưa trong nhà màng, theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao và trong đợt thu hoạch đầu tiên đã thu lãi 40 triệu đồng, góp phần đổi thay một vùng đất trước đây chỉ độc canh cây lúa trên đất nhiễm phèn…

Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới xuất khẩu ảnh 1 Mô hình trồng dưa lưới ở Tây Ninh đang phát huy hiệu quả
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho những thành quả như trên, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện được việc phân vùng trồng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, phù hợp với từng loại đất và đặc tính sinh trưởng của cây trồng và đã xác định được các loại cây trồng chủ lực như: sầu riêng (năm 2020 doanh thu đạt 500-650 triệu đồng/ ha, lợi nhuận gấp 10 đến 15 lần trồng lúa); mãng cầu (lợi nhuận gấp 5 lần trồng lúa); bưởi, chuối (lợi nhuận gấp 4,5 lần đến 7 lần so với trồng cây lúa).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác trong tỉnh như huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, TP Tây Ninh lại tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, gắn với du lịch như trồng rau thủy canh, nuôi cá thủy sinh, trồng lan… 

Ở lĩnh vực chăn nuôi, tại tỉnh Tây Ninh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình hay như: Chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế phục vụ sản xuất phân bón vi sinh; áp dụng các công nghệ hiện đại trong chăn nuôi (chuồng kín, máng ăn uống tự động, chuồng sàn tiết kiệm nước…), đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; hệ thống xử lý khử trùng trứng và tuyển chọn trứng tự động, hiện đại của Công ty TNHH QL Farms, xã Thạnh Bình, Tân Biên… 

Thu hút nhiều doanh nghiệp lớn

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, những năm qua ngành nông nghiệp đã tập trung định hướng phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng một số mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. 

Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới xuất khẩu ảnh 2 Mô hình trồng mãng cầu VietGAP của Công ty CP Natani
Tính đến tháng 6-2021, toàn tỉnh đã có 102 mã số vùng trồng (MS-VT) và 21 mã số cơ sở đóng gói (MS-CSĐG) trái cây tươi được Cục Bảo vệ thực vật thuôc Bộ NN-PTNT cấp mã số để xuất khẩu sang các thị trường như: EU (1 MS-VT), Hoa kỳ (3 MS-VT), Úc - New Zealand (1 MS-VT, 1 MS-CSĐG) và Trung Quốc (97 MS-VT và 20 MS-CSĐG).

Trong giai đoạn, 2019 – 2022, ngành nông nghiệp triển khai cho các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn quả nhập dữ liệu phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus, tạo thuận lợi để các loại trái cây xuất khẩu vào các thị thị trường, kể cả thị trường khó tính.

Hiện ngành đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều gói hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị quỹ đất để các doanh nghiệp có năng lực, công nghệ vào đầu tư. Kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2019-2020 được 67 dự án (năm 2020 là 54 dự án), tăng 4,7 lần so với năm 2018, trong đó 21 dự án trong lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu là sản xuất phân bón hữu cơ, cây ăn quả như ổi, táo, thanh long, trồng cây dược liệu, nấm trong đó có 2 dự án trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái và 2 dự án trồng chuối và cây ăn trái. Các dự án còn lại chủ yếu là đầu tư vào chăn nuôi gà, bò, dê và chim yến. 

Nhiều dự án có quy mô lớn như dự án chuyển đổi từ trồng mía sang trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu và kết hợp chăn nuôi (363 tỷ đồng) ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; dự án của Công ty TNHH QL Farms nuôi 1 triệu con gà cho 1 triệu quả trứng/ ngày có số vốn lên tới 794 tỷ đồng ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên; dự án của Công ty TNHH MTV TS Farm nuôi 400.000 gà đẻ, vốn đầu tư 261 tỷ đồng ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu...

Tính chung đến nay, tỉnh Tây Ninh đã thu hút được 24 dự án với tổng vốn trên 1.652 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là việc đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau quả Tanifood (tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng) và trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện có tổng đàn 8.000 con.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi đột phá của tỉnh Tây Ninh đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó trọng tâm là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dẫn dắt nông dân cùng phát triển. 

Tin cùng chuyên mục