Tây Ninh phát triển giao thông kết nối vùng

Những năm gần đây, tuyến Quốc lộ (QL) 22 từ TPHCM đi Tây Ninh rơi vào tình trạng quá tải khi lưu lượng xe cộ lưu thông tăng quá nhanh khiến nhiều đoạn thường xuyên kẹt xe, nhất là đoạn qua huyện Hóc Môn dài hơn 20km và đoạn qua huyện Trảng Bảng khoảng 10km làm cho thời gian di chuyển kéo dài, thêm chi phí cho các doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường. Đó là thách thức lớn nhất của Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ hiện nay.
Cầu vượt trên Quốc lộ 22 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua tỉnh Tây Ninh
Cầu vượt trên Quốc lộ 22 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua tỉnh Tây Ninh

Quốc lộ quá tải  

QL22 được xem là trục đường Xuyên Á nối trung tâm kinh tế của cả nước là vùng Đông Nam bộ với Vương quốc Campuchia, Thái Lan và các nước AESAN khác. Do đó, QL22 quá tải đã ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào Tây Ninh, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông sản xuất khẩu qua các cảng ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chi phí nhiên liệu tăng cao và thời gian kéo dài dù quãng đường vận tải chỉ khoảng 120km từ Tây Ninh đến cảng Cát Lái (TPHCM) làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Nhiều năm trước, tuyến đường này cũng thu hút khá đông khách Việt Nam qua Campuchia mỗi dịp cuối tuần và chiều ngược lại đón dòng khách quốc tế từ Thái Lan, Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài vào Việt Nam. Cũng do việc giao thông đi lại mất nhiều thời gian nên lượng khách trong và ngoài nước giảm hẳn; cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách trong nước đến Tây Ninh năm nay giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh của các khách sạn cao cấp mới đầu tư, đưa vào khai thác chưa lâu.

Một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại TPHCM cho biết, nếu cách đây 5 năm, tour du lịch từ TPHCM đi Campuchia 3 ngày cuối tuần rất đông du khách thì gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc di chuyển mất thời gian khiến các tour tuyến ế ẩm.

Tạo động lực phát triển

Thời gian qua, Tây Ninh đã chú trọng đầu tư nhiều tuyến đường giao thông kết nối với TPHCM và các tỉnh lân cận như Hương lộ 10 từ chợ cũ Trảng Bàng kết nối với Củ Chi (do TPHCM hỗ trợ 100% vốn, mức đầu tư 80 tỷ đồng), phối hợp với Bình Phước đầu tư, đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 trên đường ĐT 794 kết nối 2 tỉnh và thống nhất với Long An bổ sung vào quy hoạch, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông nối 2 tỉnh gồm đường ĐT 838C, ĐT 821. Nhưng quan trọng nhất vẫn là 2 dự án (DA) cao tốc TPHCM - Mộc Bài và đường Hồ Chí Minh các tỉnh Tây Nguyên với ĐBSCL (đoạn qua Tây Ninh dài 21,7km).

Trong đó, xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài được xem là giải pháp có tính đột phá, tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất đồng kiến nghị Thủ tướng giao TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện DA theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT; trong đó phần đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) do 2 địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách. Lãnh đạo TPHCM và tỉnh Tây Ninh đặt quyết tâm cao vào việc triển khai DA trên tinh thần “khó đến đâu, gỡ đến đó”.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tuyến QL22 từ TPHCM - Mộc Bài - Campuchia là hành lang kinh tế đối ngoại của vùng Đông Nam bộ và cả nước để qua Campuchia vào các nước ASEAN. Tuyến QL này được nâng cấp, đưa vào sử dụng từ năm 2002 đến nay đã bị quá tải, xuống cấp trầm trọng, do đó việc xây dựng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả trước mắt và lâu dài.

Hiện các cơ quan chuyên môn của 2 địa phương đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định và đang phối hợp hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đặt mục tiêu khởi công DA trong năm 2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025.

DA đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An, chiều dài toàn tuyến là 74km, đoạn qua Tây Ninh dài 21,7km; quy mô đường cấp III, 2 làn xe. DA đã được khởi công từ năm 2009 và đã thi công xong phần cầu vượt qua QL 22 và đoạn từ giáp Bình Dương đến đầu cầu vượt đã trải lớp 1 móng đá. DA bị giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn cho DA là 2.600 tỷ đồng và chỉ đạo Ban Quản lý DA chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục theo quy định, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2024.


Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến 50km, đoạn qua địa phận TPHCM dài 23,7km và qua Tây Ninh 26,3km; được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tuyến đường bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TPHCM) và điểm cuối nối vào QL22 tại km 53+850 (trước Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh).

Tin cùng chuyên mục