Tây Nguyên - Nam Trung bộ ứng phó nguy cơ sa mạc hóa - Bài 3: Sống chung với sa mạc hóa

Trước thực trạng quá trình sa mạc hóa đang diễn ra nhanh chóng, chính quyền và người dân các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung bộ đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, thích nghi như: Đầu tư hạ tầng thủy lợi, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp căn cơ, bền vững là cần tập trung nhóm giải pháp về bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.

Sử dụng hiệu quả nguồn nước

Vài năm nay, Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước đạt hiệu quả cao. Tại tỉnh Ninh Thuận, những năm 2016-2020, mô hình sản xuất lúa theo “1 phải 5 giảm” đã đóng vai trò quan trọng trong tiết kiệm nước tưới.

Đây là giải pháp kỹ thuật góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho bà con nông dân, hướng tới thâm canh sản xuất theo “thực hành nông nghiệp tốt - GAP”.

Đối với cây trồng cạn, năm 2007-2018, từ nhiều nguồn vốn địa phương đã triển khai các mô hình áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất cây trồng cạn với tổng diện tích hơn 1.100ha.

Tại tỉnh Bình Thuận, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long của Việt Nam, người dân cũng đang tích cực triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước, với diện tích đã đạt khoảng 7.000ha.

“Việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công mà còn giúp cây trồng hấp thụ tốt lượng phân bón, tăng năng suất cây trồng”, ông Hồ Khải (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) nhận định.

Đánh giá của ngành nông nghiệp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cho thấy, kết quả bước đầu của việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống của người dân. 

Tại Tây Nguyên, nông dân cũng đang chuyển sang sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thay vì sử dụng tưới béc hay tưới ống như truyền thống. Đang cao điểm hạn hán, nhưng vườn khoai lang, khoai môn rộng khoảng 22ha của nhóm anh Phan Văn Hoàng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) luôn xanh tốt, do được cung cấp nước thường xuyên bởi công nghệ tưới nhỏ giọt.

Anh Hoàng kể với chúng tôi, khoảng 4 năm nay, nhóm của anh chuyển đổi sang tưới nhỏ giọt. “Tưới nhỏ giọt rất lợi về nước vì chỉ tập trung tưới vào gốc. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cùng một lượng nước, nếu áp dụng công nghệ này sẽ tưới được cho diện tích gấp 3 lần so với thông thường. Một ưu điểm nổi trội khác là khi dùng công nghệ tưới tiết kiệm có thể kết hợp với bón phân một lần nên giảm nhiều công lao động, cũng như tránh thất thoát phân bón”, anh Hoàng phân tích.

Chuyển đổi cây trồng

Chúng tôi đến buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cảnh vật ở đây đã thay đổi hoàn toàn so 5 năm trước đây. Những cánh đồng bắp, sắn trước đây giờ đã được phủ xanh bằng vườn điều tươi tốt.

Dù thời tiết ở xã vùng biên giới luôn khắc nghiệt, nhưng những cây điều vẫn vươn mình phát triển, sum suê quả. Hỏi ra mới biết, những năm gần đây nhờ chuyển đổi cây trồng từ sắn, bắp sang giống điều ghép cao sản nên nhiều hộ dân có kinh tế khấm khá hơn.

Ông Khăm Phon Lào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, cho biết: “Tại buôn Đrăng Phốk, chúng tôi đã ứng dụng, triển khai mô hình trồng điều ghép cao sản trên diện tích gần 100ha và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Giống điều ghép cao sản có sức chống chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, trong khi đó hiệu quả kinh tế lại cao hơn cây trồng cũ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn huyện, với các khu vực thường xuyên thiếu nước, không canh tác được”.

Tại vùng nắng gió Ninh Thuận, năm 2010, cây măng tây xanh được trồng thí điểm trên vùng đất cát ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Sau thời gian thử nghiệm, vùng đất An Hải vốn hoang hóa ngày nào đã trở nên xanh tươi, trù phú. Đến nay, người dân xã An Hải đã nhân rộng diện tích lên hơn 200ha. Cây măng tây xanh đã giúp đồng bào dân tộc Chăm nơi đây đời sống ngày càng khấm khá, nhiều hộ thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

“Việc trồng thành công cây măng tây xanh tại xã An Hải được xem là đột phá trong việc hồi sinh những vùng đất hoang hóa, thiếu nước ở địa phương”, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Đình Thịnh cho biết.

Ngoài cây măng tây xanh, thời gian qua, cây nha đam đang phát triển mạnh mẽ trên vùng đất cát và cát pha ven biển của tỉnh Ninh Thuận. Trước đây, làng Văn Sơn (TP Phan Rang - Tháp Chàm) do nằm giáp biển nên diện tích đất hoang hóa khá nhiều. Từ khi cây nha đam xuất hiện, đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, diện tích cây nha đam toàn tỉnh đến nay khoảng 500ha. Nếu nông dân làm đúng quy trình, lợi nhuận thu về 350-600 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, ngoài nho, táo là cây trồng chủ lực, tỉnh Ninh Thuận đã đưa nha đam vào danh mục những sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh.

Tây Nguyên - Nam Trung bộ ứng phó nguy cơ sa mạc hóa - Bài 3: Sống chung với sa mạc hóa ảnh 1 Tỉnh Ninh Thuận dần đổi thay nhờ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, thời gian qua, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chịu hạn đang triển khai khá hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, mô hình nông - lâm kết hợp đã giúp nhiều hộ dân miền núi tăng nguồn thu nhập, tăng hiệu suất sử dụng đất, lấy hiệu quả từ canh tác cây ngắn ngày đầu tư cho cây dài ngày, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vùng đất thiếu nước chiếm diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tại Bình Thuận, để phá vỡ thế độc canh cây thanh long vốn đang bấp bênh, địa phương hướng đến việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại cây trồng đa dạng như: dưa lưới, nho, măng tây xanh…

Khôi phục rừng

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 20ha đất canh tác nông nghiệp bị lấn bởi các đụn cát di động. Trong đó, việc chuyển quá nhiều diện tích rừng, diện tích có cây xanh sang mục đích khác như làm du lịch, các dự án thủy điện… đã dẫn đến tình trạng cát bay, cát nhảy, gây nên nguy cơ hoang mạc cục bộ.

“Để giữ nước và ngăn chặn tình trạng cát bay, cần tăng cường trồng rừng và phủ xanh thảm thực vật để nâng cao khả năng ngấm và trữ nước, giảm thiểu sự bốc thoát hơi nước của đất, chắn gió và giảm quá trình sa mạc hóa. Cùng với đó, việc trồng các băng rừng phi lao chắn gió phòng hộ ven biển và tích cực giao đất, giao rừng để gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với sự nghiệp phát triển rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn là những giải pháp mang tính bền vững”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước nhấn mạnh.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bình Thuận bắt đầu khởi động các dự án trồng rừng ven biển thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC. Dự án này được thực hiện trên những vùng đất hoang hóa nghiêm trọng tại 14 xã, phường thuộc 5 huyện trong tỉnh. Ghi nhận cho thấy, những loài cây rừng chịu hạn như xoan chịu hạn, keo, phi lao… đang ngày càng xanh tốt.

“Qua 6 năm thực hiện dự án đã thực hiện trồng, chăm sóc hơn 470ha rừng theo đúng thời gian, nhiệm vụ đề ra. Dự án đã góp phần chắn gió, chắn cát bảo vệ cho các hoạt động sản xuất, các công trình hạ tầng, các khu dân cư ”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận Hồ Thiện Đang thông tin.

Trong khi đó, tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2020, địa phương đã trồng mới gần 843ha rừng; chăm sóc gần 1.300ha diện tích rừng trồng thuộc các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững; khoanh nuôi tái sinh trên 3.000ha rừng tự nhiên.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, ngoài việc đẩy mạnh phủ xanh đất rừng, đồi trọc, địa phương còn đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng được hơn 66.500ha (bình quân mỗi hộ nhận khoán 30ha với đơn giá 12 triệu đồng/năm). Ngoài ra, hàng năm tỉnh Ninh Thuận còn dành các nguồn kinh phí mua gạo hỗ trợ hàng ngàn hộ dân tham gia trồng rừng phục hồi trên nương rẫy các tháng giáp hạt để họ yên tâm bảo vệ rừng.

Với các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, chất lượng rừng trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt ở Ninh Thuận được phục hồi, trữ lượng ngày càng tăng, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 lên 46,8%.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Thủy, những năm qua, huyện đã triển khai tổng hợp rất nhiều biện pháp đan xen. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới rừng khu vực đầu nguồn các công trình cấp nước, xem việc này là công việc quan trọng, cấp thiết trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Nói về giải pháp để ứng phó với tình trạng sa mạc hóa ở Tây Nguyên, TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), cho rằng, ngành chức năng cần quan tâm, đầu tư xây dựng công trình kênh, mương thủy lợi, cung cấp nước cho các vùng sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu phổ biến những cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng đến bà con nông dân.

Người dân cần phải thay đổi tư duy về làm nông, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để có hiệu quả hơn. Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất để tránh tình trạng sa mạc hóa ở Tây Nguyên là phải khôi phục lại tài nguyên rừng. Ngành chức năng phải quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường công tác trồng rừng để nâng cao độ che phủ. Từ đó, nguồn tài nguyên nước sẽ dần được phục hồi cao hơn.

Tin cùng chuyên mục