Tàu chở dầu khổng lồ mất lái, eo biển Bosphorus ngừng hoạt động

Eo biển Bosphorus, huyết mạch nối liền Biển Đen và Biển Aegea, đã bị đình chỉ hoạt động khi một tàu chở dầu khổng lồ bị mất lái, trôi dạt nguy hiểm.
Tàu chở dầu gặp sự cố được lai dắt tới nơi an toàn. Ảnh: RT
Tàu chở dầu gặp sự cố được lai dắt tới nơi an toàn. Ảnh: RT

Tổng cục An toàn Bờ biển (KEGM) của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-5 đã đình chỉ giao thông hàng hải ở eo biển Bosphorus sau khi một tàu dầu lớn bị sự cố mất lái, buộc phải giải cứu bằng tàu kéo. 

Theo tờ Newsweek, tàu chở dầu có tên RAVA dài 249 mét, đang chở dầu thô qua eo Bosphorus thì một sự cố cơ học khiến nó phải được kéo ngược trở lại quận Yenikoy của Istanbul. KEGM đã cử hai tàu lai dắt đến can thiệp thành công.

"8 tàu kéo cứu hộ và 5 thuyền cứu hộ nhanh KEGM của chúng tôi được điều hướng khẩn cấp đến hỗ trợ tàu chở dầu, vốn đã dừng cách bãi biển 300 mét. Giao thông qua eo biển Istanbul bị đình chỉ", KEGM đăng thông báo vào chiều 28-5 theo giờ địa phương. 

Ban đầu vụ việc đã làm dấy lên lo ngại rằng thế giới vận tải biển sẽ chứng kiến “phần tiếp theo” của vụ tắc nghẽn Kênh đào Suez hồi tháng 3 - một thảm họa lớn đã làm ngừng hoạt động thương mại toàn cầu dọc tuyến đường chiến lược này trong 6 ngày và làm gián đoạn nền kinh tế trên quy mô quốc tế. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tuyến đường thủy qua Kênh Suez chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 12% thương mại toàn cầu, khoảng một triệu thùng dầu và khoảng 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng mỗi ngày.

Sự cố Kênh Suez đã dẫn đến hàng triệu hậu quả pháp lý cho tập đoàn đa quốc gia chịu trách nhiệm về Ever Given, con tàu chở container làm kẹt cứng kênh đào trong gần 1 tuần. Theo lệnh của toà án Ai Cập, tàu Ever Green hiện đang bị giữ lại bởi Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho đến khi họ nhận được số tiền nợ 916 triệu USD cho chi phí trục vớt và thiệt hại.

Eo biển Bosphorus, hay eo biển Istanbul, là một trong những tuyến hàng hải quốc tế quan trọng nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với vận chuyển dầu. Con đường thủy dài 30km này nối Biển Đen với các đại dương trên thế giới và cũng rất cần thiết cho ngành ngư nghiệp địa phương. Eo biển Bosphorus chia cắt phần thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á của nước này. Chiều rộng lớn nhất của eo biển là 3,7km ở lối vào phía bắc và nơi hẹp nhất chỉ 0,75km, trong khi độ sâu dao động trong khoảng 36-124 mét. 

Trong chiến dịch cứu hộ, KEGM đã huy động 8 tàu kéo và 5 tàu nhỏ hơn để ngăn chặn một vụ đình trệ vận chuyển toàn cầu khác. Cuối cùng, sau ba tiếng, eo biển Bosphorus đã hoạt động trở lại khi con tàu được lai dắt tới nơi neo đậu an toàn.

Tàu thuyền di chuyển qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Newsweek
Tàu chở dầu RAVA, được đóng xong vào năm 2017, đăng ký tại Croatia và đang trên hải trình tới Cartagena, Tây Ban Nha. Tàu là một phần của hạm đội thuộc Công ty Tankerska Plovidba, chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường biển và ven biển trên toàn thế giới.

Tin cùng chuyên mục