Tất bật trên nhiều công trình giao thông

Trong vòng 60 ngày tới, theo lộ trình, hàng loạt dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ sẽ được thông xe đưa vào sử dụng trên địa bàn TPHCM. Chính vì thế, không khí tất bật, khẩn trương đang diễn ra ở nhiều công trường thi công.
Ngày 5-9, cầu Nhị Thiên Đường 1 sẽ hợp long. Ảnh: CAO THĂNG
Ngày 5-9, cầu Nhị Thiên Đường 1 sẽ hợp long. Ảnh: CAO THĂNG
Hợp long cầu Nhị Thiên Đường 1
Sáng mai 5-9, công trình nâng cấp, sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng khi chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 4 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM chính thức hợp long cầu sau 8 tháng thi công.
Cầu Nhị Thiên Đường 1 nằm trên đường Tùng Thiện Vương thuộc địa bàn quận 8 vốn dĩ được xây dựng từ hồi thập niên 20 của thế kỷ trước, chính xác là năm 1925. Tính ra đến nay, cây cầu này đã có hơn 90 năm khai thác. Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, cầu Nhị Thiên Đường 1 nói riêng và cả cầu Nhị Thiên Đường 2 nói chung cùng giữ vai trò điều phối thông thương quan trọng đặc thù bởi nằm trên trục giao thông có chức năng đối ngoại, kết nối với các vùng và khu đô thị kế cận thông qua tuyến quốc lộ 50 như đường Phạm Thế Hiển, đường Tùng Thiện Vương, đường Bến Bình Đông, đường Tuy Lý Vương, đường Bùi Minh Trực, đường Nguyễn Văn Của…
Tháng 1-2017, công trình sửa chữa, nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1 với tổng vốn đầu tư 163,3 tỷ đồng đã được chủ đầu tư phát lệnh khởi công. Phó giám đốc KQLGTĐT số 4 Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, mặc dù công trình này có kế hoạch thi công trong 12 tháng, nhưng nhờ một loạt biện pháp được triển khai nhằm mục đích rút ngắn thời gian thi công xuống từ 2 - 3 tháng nên KQLGTĐT số 4 tự tin sẽ hoàn tất công trình nâng cấp, sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 vào tháng 10 năm nay, thay vì tháng 1-2018.
Cũng như hầu hết các công trình cầu đường đang hoặc sắp triển khai trên địa bàn thành phố, công trình nâng cấp sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn nhất định trong suốt quá trình thi công. Một trong những khó khăn đó là mặt bằng thi công hạn chế, trong khi mật độ lưu lượng tham gia giao thông tại đây rất lớn. Để giải quyết khó khăn mang tính khách quan này, nhà thầu thi công phải tổ chức thi công vào ban đêm, từ sau 22 giờ đối với nhiều phần việc như khâu đổ bê tông, lao dầm…
Một trở ngại cũng mang tính khách quan khác là bản thân kênh Tàu Hủ có bề ngang hẹp nhưng lòng kênh sâu, cộng thêm mực thủy triều lên xuống nhanh và dòng chảy mạnh. Tất cả những yếu tố ấy đều tác động mạnh vào việc thi công. Để tránh cho sà lan, thiết bị thi công dầm cầu không bị ảnh hưởng, đơn vị thi công phải canh con nước thủy triều mới làm. Điều này vô tình tạo áp lực lên đơn vị thi công do chỉ có thể thi công theo giờ nào đó (không nhất định) trong ngày, tức luôn bị hạn chế về thời gian thi công.
Tất cả những khó khăn nảy sinh trong suốt quá trình thi công nâng cấp, sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 đã được chủ đầu tư, nhà thầu kiên trì, khéo léo vượt qua, để rồi việc hợp long sẽ diễn ra vào sáng mai 5-9, sớm hơn kỳ hạn theo hoạch định khoảng 3 tháng.
Đại diện KQLGTĐT số 4 cho biết, sau khi xong phần hợp long, một loạt việc thi công còn lại sẽ được triển khai khẩn trương như hoàn thành lan can cầu; làn bộ hành bên phải cầu theo hướng từ đường Tuy Lý Vương sang đường Nguyễn Văn Linh; hạng mục chiếu sáng, mảng xanh hai bên cầu; thảm bê tông nhựa mặt cầu và hoàn thành đường dẫn hai bên đầu cầu.
Quyết tâm đảm bảo tiến độ
Lãnh đạo KQLGTĐT số 3 cho biết, sáng 3-9 nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám cũng đã chính thức thi công. Đây là nhánh cầu vượt thứ 2 thuộc dự án xây dựng cầu vượt thép có hình chữ N tại nút giao vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, vốn là một trong những dự án cấp bách giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 1 của dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) đã được khởi công từ tháng 6-2016 qua việc thi công gói thầu cầu Kỳ Hà, trong khi gói thầu chính với 2 hạng mục xây dựng cầu vượt và hầm chui được khởi công vào ngày 3-11-2016.
Theo hợp đồng, công trình xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn tất vào tháng 2-2018; tuy nhiên, Giám đốc KQLGTĐT số 2 Lê Ngọc Hùng cho biết, đến nay tiến độ thi công dự án vẫn được đảm bảo như lộ trình vạch ra và đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành dự án trước tiến độ hơn 3 tháng, tức công trình sẽ hoàn tất vào tháng 11 năm nay.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, Sở GTVT tổ chức lại giao thông tại khu vực này. Cụ thể, đường Nguyễn Kiệm thuộc quận Gò Vấp (đoạn từ đường Hạnh Thông đến nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn) sẽ trở lại lưu thông một chiều như trước đó, theo hướng từ ngã sáu Gò Vấp đến nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Trong khi đó, đoạn từ đường Hạnh Thông đến nút giao ngã sáu Gò Vấp, xe máy được lưu thông 2 chiều, còn các loại ô tô phải đi một chiều theo hướng từ ngã sáu Gò Vấp đến đường Hạnh Thông.
Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Dự án gồm 3 nhánh cầu hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám về đường Nguyễn Thái Sơn đã chính thức đưa vào hoạt động từ đầu tháng 7 vừa qua; trong khi nhánh cầu thứ 2 Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám vừa được thi công. Theo kế hoạch, nhánh cầu vượt thứ 2 này sẽ hoàn tất thi công, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10 tới. Còn nhánh cầu vượt thứ 3, nhánh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn sẽ thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, ngay trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh này, cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp, nhánh Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh cũng đã được triển khai thực hiện hạng mục lao lắp dầm thép. Lãnh đạo KQLGTĐT số 3 cho biết, nhánh cầu này sẽ hoàn thành trong tháng 10 tới. Trước đó, nhánh cầu đầu tiên của dự án cầu vượt thép hình chữ Y tại ngã sáu Gò Vấp, nhánh Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm đã hoàn tất, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Dự án xây dựng cầu vượt thép hình chữ Y tại ngã sáu Gò Vấp là một trong những công trình quan trọng, thiết thực bởi sẽ góp phần giải quyết điểm nóng giao thông tại khu vực này. Bởi thực tế, nút giao thông ngã sáu Gò Vấp là nơi hội tụ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghỉ.
Tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Điểm nóng này cũng có đặc điểm là hiện nay đa phần các tuyến đường trên đều có năng lực giao thông đã quá tải, đồng thời không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để sẵn sàng “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông.
Tình trạng bức bối giao thông ở nút giao ngã sáu Gò Vấp đã phần nào chuyển biến rõ rệt khi nhánh cầu vượt Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm được thông xe và chắc chắn sẽ càng tốt hơn nữa sau khi nhánh cầu vượt Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh hoàn thành. Đây cũng là cầu vượt thép đầu tiên trên địa bàn quận Gò Vấp.

Tin cùng chuyên mục