Tập trung phát triển 4 lĩnh vực trọng yếu

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, giúp hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài, tránh lãng phí nguồn nhân lực và đầu tư xã hội, hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.
Người tiêu dùng mua thịt heo bình ổn thị trường tại Co.opmart. Ảnh: CAO THĂNG ​
Người tiêu dùng mua thịt heo bình ổn thị trường tại Co.opmart. Ảnh: CAO THĂNG ​

Logistics giữ vai trò nền tảng

Quy hoạch phát triển thương mại để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đến với người tiêu dùng; phát triển thương mại để thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành và tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa là một trong những chủ trương nhất quán của TPHCM trong quá trình điều hành nền kinh tế. Để đưa ngành thương mại TP tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, phát huy và khai thác tốt tiềm năng, trong quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2025, TPHCM đã định hướng 4 lĩnh vực cốt lõi, có nhiều lợi thế cạnh tranh, bao gồm xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và bán buôn - bán lẻ. 

Cụ thể, đối với lĩnh vực xuất khẩu, TPHCM ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời, từng bước phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài; chú trọng hợp tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức phân phối hàng Việt vào hệ thống phân phối các nước.

Đối với lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành. Do vậy, TP sẽ hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trong nội thành; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành và xuất nhập khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ logistics trọn gói để vừa củng cố thị phần trên thị trường logistics trong nước vừa góp phần kéo giảm chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Trong lĩnh vực hội chợ triển lãm thương mại, TP thực hiện đồng thời việc mở rộng kết hợp xúc tiến đầu tư Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn, khu phức hợp Trung tâm Hội chợ triển lãm Thủ Thiêm, trung tâm hội chợ triển lãm ở Hiệp Phước, đáp ứng nhu cầu mở rộng giao thương quốc tế, đưa TPHCM sớm trở thành trung tâm giao dịch thương mại quan trọng khu vực Đông Nam Á.

Đối với lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, được xác định là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên giúp tạo nên vị thế “đầu tàu” của ngành thương mại TP cũng như cả nước; do đó, TP tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối mở rộng điểm bán, sớm hình thành các tập đoàn thương mại tầm cỡ khu vực; khuyến khích phát triển giao dịch thương mại trên thiết bị di động; đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh theo xu hướng phát triển chung trên thế giới; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư xây mới… để thay thế các điểm kinh doanh tự phát; khuyến khích hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang các mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Hình thành đồng bộ mạng lưới phân phối

Theo Sở Công thương TPHCM, đến nay mạng lưới phân phối trên địa bàn TP có 239 chợ, gồm: 3 chợ đầu mối, 14 hạng I, 54 hạng II, 168 hạng III và chợ tạm. Riêng hệ thống siêu thị, TP có 207 siêu thị, gồm: 66 siêu thị hạng I, 64 hạng II, 77 hạng III; tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp. Còn trung tâm thương mại có 43 trung tâm, gồm: 15 trung tâm hạng I, 4 hạng II, 24 hạng III. Trong đó, hầu hết các đơn vị kinh doanh, bán lẻ đều đang nỗ lực tăng cường nhiều hoạt động thiết thực để giữ chân khách hàng tại thị phần nội địa và vượt qua sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

Để đảm bảo mục tiêu theo Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TPHCM sẽ không tăng thêm số lượng chợ ở khu vực nội thành cũ, gồm 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú. Việc xây chợ mới (nếu có) chỉ để phục vụ công tác giải tỏa, di dời các chợ hiện hữu. Hạn chế xây chợ mới ở khu vực nội thành phát triển gồm 6 quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân. Việc xây dựng chợ mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu thật sự của nhân dân. Thay vào đó, TP sẽ sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu, tập trung duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông... để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch. Rà soát, các chợ hoạt động không hiệu quả, có diện tích xây dựng từ 800 - 1.000m2 trở lên để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại phù hợp dựa trên nguồn vốn xã hội hóa.

Với các siêu thị, trong khu vực nội thành sẽ giữ nguyên hoặc nâng cấp các siêu thị hiện hữu, ưu tiên phát triển các siêu thị vừa và nhỏ (hạng II, III) để tránh ùn tắc giao thông; phát triển đại siêu thị, siêu thị hạng I ở những vị trí giao thông thuận lợi như khu vực cửa ngõ TP, các tuyến đường vành đai, khu đô thị có quy mô lớn. TP sẽ tính toán kế hoạch xây dựng và triển khai phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn dựa trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể. Từ đó, đạt tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%. Đặc biệt, đến giai đoạn 2025 - 2030, hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Để làm tốt công tác phát triển mạng lưới phân phối cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các DN, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công thương, thành viên ban soạn thảo đề án quy hoạch, cho biết sắp tới TPHCM sẽ tiến hành rà soát và áp dụng ENT (nhu cầu kiểm tra kinh tế) trong việc cấp phép đầu tư lĩnh vực bán lẻ. Trong trường hợp các địa bàn đã có nhiều điểm bán, các sở ngành sẽ kiên quyết từ chối việc mở điểm bán mới của DN. Cách làm này sẽ đảm bảo cho DN phát triển bền vững, tránh tình trạng lãng phí về nguồn lực và đầu tư xã hội. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu tổng thể đặt ra cho quy hoạch phát triển ngành thương mại của TPHCM.

Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn đến năm 2020

+ Đến năm 2020, đóng góp của ngành dịch vụ đạt tối thiểu 58% GRDP; trong đó thương nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm 22% - 24% khu vực dịch vụ.

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8,55% - 11,53%/năm và tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7,78% - 10,88%/năm.

+ Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%.

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt khoảng 10%/năm, giai đoạn 2016 - 2020.

+ Tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử của doanh nghiệp trên địa bàn đạt tối thiểu 20%/năm, giai đoạn 2016-2020.

+ Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP khoảng 9% - 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%.

Giai đoạn 2021 - 2025

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021- 2025 đạt 10,89% - 14,02%/năm.

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa giai đoạn 2021- 2025 đạt 11,6% - 12,52%/năm.

+ Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2025 đạt tối thiểu 50%.

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt khoảng 12%/năm, giai đoạn 2021- 2025.

+ Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt trên 10%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 16% đến dưới 20%.

(Nguồn: UBND TPHCM)

Tin cùng chuyên mục