Tập trung mọi nguồn lực thực hiện chiến lược vaccine

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu: phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra; tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100%, trong đó đến hết quý 3 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó Chính phủ yêu cầu tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vaccine, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ vaccine phòng Covid-19; vận động các đối tác đã có cam kết thực hiện giao vaccine đúng tiến độ và trong thời gian sớm nhất. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine.

Tại nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19; tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành…

Tin cùng chuyên mục