Tập trung lo hàng tết

Năm 2019 sẽ kết thúc sau 7 tuần nữa và Tết Dương lịch 2020 chỉ cách Tết Canh Tý đúng 20 ngày. Để đảm bảo đầy đủ các nhóm hàng với giá cả ổn định cung ứng cho hơn 10 triệu người dân, UBND TPHCM yêu cầu các sở ngành, doanh nghiệp (DN) chủ lực tập trung lo hàng hóa tết. Đối với mặt hàng thịt heo, ngoài phương án chuẩn bị của các DN, TPHCM cũng đã lên kế hoạch dự trữ thêm thịt gà, nhập khẩu thịt bò để thay thế.
Trứng gia cầm, mặt hàng thiết yếu trong những ngày tết. Ảnh: CAO THĂNG
Trứng gia cầm, mặt hàng thiết yếu trong những ngày tết. Ảnh: CAO THĂNG

Hơn 19.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng tết 

Theo nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, từ đầu năm đến nay, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 942.574 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 615.585 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 102.891 tỷ đồng, chiếm 16,7%, tăng 11,5%. 

Cũng trong 10 tháng qua, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Riêng đối với chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường, do có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại, nhiều hợp đồng được lên kế hoạch và ký kết từ trước, cam kết ổn định giá trong thời gian dài nên hoạt động nuôi trồng, thu nhập của nông dân trong chuỗi không bị ảnh hưởng.

Về nguồn hàng cung ứng nhu cầu mua sắm cuối năm và Tết Canh Tý 2020, sở đã phối hợp các sở ngành, làm việc với DN, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cụ thể, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng cho 2 tháng tết là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (tức ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường 4.088,5 tỷ đồng.

Lượng hàng chuẩn bị đã tăng 14,6% - 17,3% so kế hoạch TP giao và tăng 21% - 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20% - 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…

Về giá cả hàng hóa phục vụ tết, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay năm nay công tác chuẩn bị hàng hóa tết diễn ra rất thuận lợi vì giá thức ăn, nguyên liệu đầu vào ổn định. Hiện công ty đã hoàn thành việc liên kết, hợp tác với các đối tác để đầu tư, phát triển tổng đàn để nâng sản lượng trứng gia cầm các loại cung ứng cho thị trường tết, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty cũng dự trữ nguồn hàng để ứng phó với tình trạng nhu cầu thị trường tăng đột biến. Theo dự báo của ông Thiện, giá trứng gia cầm vào dịp tết tiếp tục ổn định do nguồn cung rất dồi dào. 

“Kịch bản” riêng cho thịt heo

Trước tình hình giá bán mặt hàng thịt heo trên thị trường liên tục biến động do nguồn cung khan hiếm, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vissan, cho biết năm nay Vissan chuẩn bị nguồn thịt heo, bò tươi sống khoảng 2.500 tấn, thực phẩm chế biến 5.000 tấn, với tổng trị giá 800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vissan cũng chuẩn bị thêm 2.500 tấn thịt heo đông lạnh để dự phòng nguồn thịt heo “nóng” thiếu hụt. Về giá thị trường, giá heo hơi đã tăng 35%, dự báo từ nay đến tết sẽ tiếp tục tăng. 

Tập trung lo hàng tết ảnh 1 Trứng gia cầm, mặt hàng thiết yếu trong những ngày tết. Ảnh: CAO THĂNG
Liên quan đến mặt thịt heo, Sở Công thương khẳng định, ngay sau khi Việt Nam bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, TPHCM đã lên kế hoạch rất cụ thể để đảm bảo cung - cầu và giá cả. Bên cạnh việc nhập heo đông lạnh theo tiến độ của Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng cam kết sẽ xuất chuồng heo dưới tuổi, loại 80 - 100kg/con nếu nhu cầu thị trường tăng cao. Đồng thời, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, bên cạnh việc dự trữ thịt heo còn dự trữ thêm thịt gia cầm, thịt bò để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu thị trường. 

Hiện nay, giá heo hơi đang ở mức khá cao, khu vực phía Nam dao động 52.000 - 60.000 đồng/kg, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu xuất qua thị trường Trung Quốc tăng. Tại TPHCM, sản lượng heo nhập chợ đầu mối không có nhiều biến động.

Để kiểm soát tốt nhất thị trường tết, TP đang lên kế hoạch thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như kiểm tra chặt chẽ tiến độ tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; tăng và kéo giãn thời gian mở cửa tại các siêu thị; kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn thị trường, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; tăng cường phối hợp giữa các sở ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, TP cũng tạo điều kiện tốt cho DN bình ổn tổ chức các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là nhóm thực phẩm thiết yếu. Với sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng, TPHCM hy vọng sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng thiết yếu, với giá ổn định cho người dân yên tâm mua sắm tết.

Tin cùng chuyên mục