Tập trung khai thác phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL

Theo các nhà chuyên môn, ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, với khoảng 26.550 km sông tự nhiên, thuận lợi cho giao thông đường thủy; trong đó có trên 5.000 km sông, kênh, rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng. 

Ngày 1-8, Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ và Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế sông ở ĐBSCL những vấn đề lý luận và thực tiễn”; thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Trường Chính trị các tỉnh, thành tham dự.

Tập trung khai thác phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

Theo các nhà chuyên môn, ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, với khoảng 26.550 km sông tự nhiên, thuận lợi cho giao thông thủy; trong đó có trên 5.000 km sông, kênh, rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng. Hầu hết các dòng sông chính, cùng các phụ lưu và hệ thống rạch đã tạo nên một mạng lưới liên hoàn chảy qua các khu công nghiệp tập trung, khu dân cư…

Đồng thời, có nhiều cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống giao thông đường bộ. Nhiều tuyến sông có vị trí tiếp cận với các cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải. Có thể nói, với mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, vùng ĐBSCL có ưu thế lớn về phát triển kinh tế sông.

Tuy nhiên, nhiều năm qua kinh tế sông của vùng này chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều con sông, kênh, rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi. Do đó, việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông, mở lối cho kinh tế sông ở ĐBSCL phát triển là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Tập trung khai thác phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL ảnh 2 Khai thác thủy sản trên sông Hậu 

TS Trần Văn Hiếu, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất, các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách phát triển vận tải thủy, bởi đường sông cũng rất quan trọng nhưng lâu nay chưa được khai thác, đầu tư bằng đường bộ. Tới đây, vận tải đường sông ở ĐBSCL cần nâng cấp các cảng, đầu tư thiết bị dẫn đường, tăng cường nạo vét luồng lạch, phát triển ngành logistics, xây cảng biển quốc tế.

Ngoài ra, có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát triển bền vững về du lịch đường sông; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch trên sông, ven sông. Quản lý tốt việc khai thác tài nguyên cát dưới lòng sông, bởi cát là nguồn tài nguyên khá lớn của các con sông ở ĐBSCL. Mặt khác, cần quản lý tốt nghề nuôi thủy sản trên sông, vừa bảo vệ nguồn nước, vừa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế…

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khai thác những lợi thế và phát triển kinh tế sông trong thời gian tới, nhằm góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Theo đó, thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò của kinh tế sông; xây dựng lộ trình khai thác, phát triển kinh tế sông phù hợp; xây dựng cơ chế quản lý hệ thống sông của vùng ĐBSCL phù hợp với tình hình mới; cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng về khai thác lợi thế hệ thống sông, kênh, rạch. Ngoài ra, cần chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL… 

Tin cùng chuyên mục