Tập trung kéo giảm ô nhiễm không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM từ lâu đã được các chuyên gia cảnh báo. Thế nhưng, do việc đầu tư hạ tầng cũng như quản lý thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng công bố thông tin bị chậm trễ. Các chuyên gia kiến nghị rằng, thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hệ thống quan trắc tự động và thực hiện cắt giảm khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp. 
Khí thải từ xe cá nhân là một trong những nguyên nhân làm chất lượng không khí TPHCM giảm. Ảnh: CAO THĂNG
Khí thải từ xe cá nhân là một trong những nguyên nhân làm chất lượng không khí TPHCM giảm. Ảnh: CAO THĂNG

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động

Theo Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN-MT TPHCM), kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí trong tháng 9-2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất gây ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM 10, SO2, CO, PM2.5… Cao nhất là ngày 20-9 với mức tăng các chất gây ô nhiễm lần lượt là: bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO tăng 1,41 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần…

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, theo các chuyên gia, do lượng phát thải lớn của hoạt động giao thông vận tải. TPHCM hiện có hơn 9 triệu xe máy và 500.000 ô tô các loại… Các phương tiện vận tải sử dụng dầu diesel, nhiên liệu xăng hoặc có nguồn gốc hóa thạch đã thải ra lượng lớn khí NO, CO2, SO2; phát thải từ các hoạt động sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, nguồn gây ô nhiễm không khí còn từ hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp ở các Khu công nghiệp Tân Bình, Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung... và rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xen lẫn trong các khu dân cư. Trong đó, rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, khói bụi. 

Đồng bộ giải pháp

Để ngăn chặn và giảm ô nhiễm không khí hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa cho các trạm quan trắc tự động. Song song với đó là các giải pháp về hạn chế xe cá nhân, giảm phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, kiến nghị TPHCM cần tái đầu tư các trạm quan trắc và đầu tư thêm nữa mạng lưới giám sát chất lượng môi trường không khí để có thể giám sát các thông số ô nhiễm không khí như CO, NO2, các hợp chất hữu cơ, các loại bụi mịn… Việc sử dụng các trạm quan trắc tự động giúp kiểm soát tình hình một cách chặt chẽ hơn. Các trạm quan trắc này sẽ giúp cập nhật số liệu để kiểm soát trực tuyến, nhằm phát hiện các địa chỉ gây ô nhiễm nhanh và chính xác hơn. 

Đề xuất giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại TPHCM, TS Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fulbright tại Việt Nam, cho rằng thành phố cần có thêm những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng không khí và nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí để gửi thông tin cho người dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao. Thành phố cần thực hiện đa dạng hóa trong đầu tư về sản xuất năng lượng, chuyển đổi qua những dạng năng lượng khác ngoài năng lượng từ đốt than, khích lệ sử dụng những nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và những dự án giao thông công cộng.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia TPHCM), cũng chia sẻ rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trước hết phải kiểm soát được lượng phát thải xe gắn máy và tiến tới thay thế xe gắn máy chuyển sang sử dụng xe công cộng, tàu điện hoặc xe buýt sạch; đồng thời thay thế xe buýt dùng công nghệ cũ bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch hơn. Về lâu dài, thành phố cần thực hiện quy hoạch và phân vùng xả thải khí thải phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, quy định khu vực được phép hoặc không được phép tiến hành xây dựng và hoạt động của khu công nghiệp.

Tin cùng chuyên mục