Tập trung cao độ phòng tránh gian lận công nghệ cao

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các địa phương phối hợp với công an photocopy các mẫu thiết bị công nghệ cao để cán bộ coi thi nhận diện được trước khi vào phòng coi thi.

Ngày 22-6, tại hội nghị hướng dẫn coi thi THPT quốc gia năm 2018 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã hướng dẫn cách nhận biết một số loại thiết bị gian lận thi cử. Đây cũng là vấn đề mà Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý trong kỳ thi năm nay.

Xuất hiện nhiều thiết bị tinh vi

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, hiện có rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội công khai kinh doanh thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử. Gần đây, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ hàng trăm bộ thiết bị, linh kiện để sản xuất thiết bị thu phát tín hiệu kích thước nhỏ. Quá trình làm việc, đối tượng khai nhận khách hàng chủ yếu là HS-SV nhằm gian lận thi cử.

Cụ thể, các thiết bị thường có hai bộ phận là hạt tai nghe cực nhỏ và thiết bị thu phát sóng. Thiết bị thu phát tín hiệu dạng vòng cổ là một trong những loại rất phổ biến. Khi sử dụng, người dùng cho hạt nam châm vào lỗ tai, dùng cuộn dây vòng qua cổ sau đó giấu thiết bị vào trong áo.

Một loại khác có hình dạng giống thẻ ATM, nhưng có một khe cắm thẻ sim điện thoại kết nối không dây với một tai nghe loại nhỏ. PC50 từng phát hiện thiết bị gian lận giống hình dạng máy tính Casio FX-570, loại máy tính được phép mang vào phòng thi. Không có khác biệt về hình dạng và kích thước, tuy nhiên thiết bị này sẽ nặng hơn, bên trong có mạch điện tử để lắp sim điện thoại kết nối với một loại tai nghe không dây cực nhỏ giúp thí sinh dễ dàng liên lạc với bên ngoài.

Đây cũng là nội dung mà trước đó ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thông tin và cảnh báo với các địa phương khi chuẩn bị diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.

Theo ông Bằng, những vi phạm có thể xảy đến ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, chấm thi không đúng… trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng từng phát hiện các thiết bị có thể được ngụy trang bằng nhiều cách. Có thí sinh chuẩn bị những máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin. Năm 2017, ở Quảng Nam, thanh tra Bộ GD-ĐT đã phát hiện có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu, phải dùng nam châm hút ra. Khi thí sinh sử dụng những thiết bị đó hay có ý đồ xấu thì chắc chắn có những dấu hiệu bất thường. Chỉ cần giám thị làm việc hết trách nhiệm là có thể ngăn chặn được gian lận.

Cán bộ coi thi nghiêm túc thì không thể có gian lận

Để phòng chống gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo và nhiều địa phương cũng tích cực ngăn chặn. Ví dụ Công an TP Hà Nội đã chủ động lập kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình để kịp thời phát hiện các website, facebook rao bán các thiết bị gian lận để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngành công an và ngành giáo dục cũng đã thống nhất khi giám thị phát hiện có vụ việc sử dụng thiết bị thu phát tín hiệu kích thước nhỏ để gian lận thi cử thì thông báo kịp thời cho cơ quan công an để phối hợp giải quyết. Với những thiết bị ngày càng tinh vi, các cán bộ coi thi cần tìm hiểu kỹ đặc điểm nhận dạng thiết bị gian lận công nghệ cao, đồng thời tập trung theo dõi trong quá trình coi thi.

“Nếu giám thị triển khai công việc nghiêm túc, tập trung thì mọi thiết bị đều bị phát hiện bởi khi học sinh đã có chuẩn bị, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt của các em sẽ thể hiện ra ngay”, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, các thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi và dễ cất giấu. Trong khi đó, công an chỉ bảo vệ vòng ngoài và việc gian lận thi cử công nghệ cao lại chủ yếu ở trong phòng thi. Do vậy, Ban chỉ đạo thi cần tăng cường tập huấn quán triệt các biện pháp nghiệp vụ chống gian lận cho các cán bộ coi thi. Ông Nguyễn Huy Bằng cũng cho rằng, các địa phương cần quan tâm tới việc phổ biến, quán triệt tinh thần phòng và chống gian lận công nghệ cao cho cán bộ giám thị trong tác nghiệp; trong đó đặc biệt quan tâm tới địa điểm làm thi, lực lượng làm thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các địa phương phối hợp với công an photocopy các mẫu thiết bị công nghệ cao để cán bộ coi thi nhận diện được trước khi vào phòng coi thi.

“Cán bộ coi thi nên nhắc thí sinh trước khi vào phòng thi cần loại bỏ ý tưởng gian lận. Bởi nếu có ý định gian lận bằng mọi hình thức nào, thiết bị công nghệ cao nào cũng sẽ bị phát hiện và bị xử lý nghiêm” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục