Tập trung bình ổn hàng hóa lương thực, thực phẩm

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay hệ thống bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ cho mùa cao điểm, trong đó tập trung cho lương thực, thực phẩm.

Từ đầu tháng 11, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường vừa đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022. 

“Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết, ngay từ giữa năm nay, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Đồng thời Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ tết”, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết.

Tương tự, Quản lý cấp cao Marketing Emart Lê Hữu Tình cho biết, đã sẵn sàng cho lượng hàng tết năm nay sẽ tăng khoảng 15%. Đáng chú ý, hàng tết năm nay tại Emart có hơn 95% được sản xuất trong nước, tập trung nhiều vào hàng thiết yếu.

“Các nhóm hàng đặc thù cho mùa tết được ưu tiên cho nhóm không tăng giá để hỗ trợ tiêu dùng. Các mặt hàng quà tặng tết được thiết kế theo các gói quà tặng giá thấp hơn năm trước 10%-30% để thích hợp với tiết kiệm chi tiêu của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn”, ông Tình nói.

Đại diện Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cũng cho biết, nguồn hàng dự phòng cho cao điểm mùa tết năm nay sẽ tăng gấp 3 lần ngày thường và có kế hoạch sản xuất liên tục nếu nhu cầu tăng đột biến.

“Doanh nghiệp chúng tôi nằm trong Chương trình bình ổn thị trường của thành phố và ký kết với bạn hàng từ đầu năm nên giá cả sẽ không có biến động, thậm chí một số mặt hàng sẽ được giảm giá để đồng hành cùng người dân vượt qua mùa dịch, đón tết an vui…”, đại diện công ty này cho biết. 

Theo Sở Công thương TPHCM, đến thời điểm này, các doanh nghiệp nằm trong Chương trình bình ổn của TPHCM đều cho biết sẽ tăng sản lượng 15%-20% so với những ngày bình thường. Hầu hết doanh nghiệp cam kết không tăng giá, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. UBND TPHCM cũng sẽ lập tổ liên ngành do Sở Tài chính chủ trì để kiểm tra, xử lý ổn định giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến ngày 13-12, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình khuyến mại tập trung là 1.732 doanh nghiệp với 6.794 chương trình. Qua khảo sát thực tế tại hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị... trên địa bàn, sau gần 1 tháng triển khai chương trình khuyến mại tập trung, sức mua tăng 25% so với trước đó.

Chương trình khuyến mại tập trung diễn ra từ ngày 15-11 đến 31-12 (tại TPHCM) và diễn ra trên toàn quốc, từ 1-12 đến 1-1-2022. Chương trình đã tạo được sức hấp dẫn với người dân, qua đó kích thích tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục