Tập đoàn SCG đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn

Thế giới đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về vấn đề rác thải từ sinh hoạt và sản xuất. 

Mỗi năm toàn cầu có trung bình 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó nhựa sử dụng một lần chiếm đến 40% lượng nhựa được sản xuất (nguồn: National Geographic). Riêng tại Việt Nam, trong khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa chỉ có 27% được tái chế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng khi khối lượng rác thải nhựa tăng lên đến 200% vào năm 2028. 

Trước thực tế đó, SCG đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác để thực hành các giải pháp kinh tế bền vững và phát triển công nghệ - kỹ thuật để tạo nền tảng cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Tập đoàn SCG đã cùng Bộ TN-MT, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam) và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam ký kết thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Đây là lần đầu tiên một hợp tác công tư được ký kết, nhằm giải quyết vấn đề quốc gia về quản lý rác thải nhựa; hỗ trợ các hoạt động và đổi mới công nghệ cho việc tái chế rác thải; cũng như thúc đẩy đối thoại, xây dựng chính sách và pháp luật hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.

Trước đó, Tập đoàn SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu tái tạo và biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu thay thế. Riêng trong năm 2019, SCG đã và đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm, đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025 và tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.

Tập đoàn SCG hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh: xi măng - vật liệu xây dựng, bao bì và hóa dầu. Tại Việt Nam, SCG bắt đầu hoạt động từ năm 1992 và đang từng bước mở rộng đầu tư vào doanh nghiệp trong các ngành trên.

Tin cùng chuyên mục