Tạo vị thế mới với công nghiệp văn hóa

Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sáng tạo, khoa học - công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu doanh thu đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
Trình diễn âm nhạc tại bệnh viện dã chiến ở TPHCM. Ảnh: HẢI AN
Trình diễn âm nhạc tại bệnh viện dã chiến ở TPHCM. Ảnh: HẢI AN

Công nghiệp văn hóa được xác định là một kênh quan trọng trong chuỗi chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm. Vấn đề này cũng được đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.

Nguồn tài nguyên vô giá từ sáng tạo nghệ thuật

 Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự sáng tạo của con người chính là tài nguyên lớn nhất, chứ không phải than đá, dầu lửa hay bất kỳ tài nguyên nào. Không những là tài nguyên lớn nhất, sự sáng tạo còn là tài nguyên có thể tái tạo được, không bao giờ biến mất. 

Nhận định về công nghiệp văn hóa trong nước, PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, cho rằng, văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thực tế đã chứng minh rằng, rất nhiều lĩnh vực văn hóa nếu được khai thác hợp lý sẽ có khả năng đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân.

Ở châu Á, Hàn Quốc đã rất thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, làn sóng Hallyu - hiện tượng văn hóa đại chúng - đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Với người Nhật Bản, họ sớm định hướng phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa có doanh thu hàng năm ước tính chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế; và thu hút 5% nhân công toàn quốc. Song có thể thấy rõ nhất là ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, có tuổi đời hơn 100 năm, đã tạo ra nguồn thu khổng lồ với hàng ngàn bộ phim mỗi năm và thu về nhiều tỷ USD/năm. 

Nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho thấy khái niệm công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, khái niệm công nghiệp văn hóa được biết đến nhiều hơn ở ngành truyền hình - phát thanh và điện ảnh (85%). Tiếp đến là quảng cáo; kiến trúc; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm…  Gần đây, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh. 

Đường còn dài

Theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030... đã bước đầu tạo được nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí các ngành công nghiệp văn hóa cũng như sự cần thiết phải đầu tư các nguồn lực cho công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đóng góp 3% GDP và ước tính đến năm 2030, con số đó sẽ là 7% GDP, thì còn nhiều việc phải làm.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trước hết phải biết được điểm yếu của ngành văn hóa, từ đó tìm cách khắc phục. “Chúng ta suốt ngày hô hào khẩu hiệu, nhưng những thông điệp tuyên truyền được lồng ghép khéo léo thông qua những bộ phim, những câu chuyện, bài hát… thì có giá trị hơn rất nhiều. Phát triển công nghiệp văn hóa từ việc tạo ra các tác phẩm mang câu chuyện của người Việt, cho người Việt, vì người Việt thì mới khơi dậy được sức mạnh Việt Nam trong mỗi người, trong cộng đồng. Nó tạo ra bản lĩnh, sức mạnh Việt Nam để chúng ta hội nhập với thế giới”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Theo PGS-TS Nguyễn Thu Phương, nguyên nhân là các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa nước ngoài.

Tiềm năng, thế mạnh của văn hóa đã rất rõ ràng, song để công nghiệp văn hóa non trẻ có thể bứt phá, tạo vị thế mới cho văn hóa Việt vẫn là câu chuyện đường dài.

Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra là cần phải nhìn toàn diện hơn, có những chính sách có tầm nhìn xa, tạo hệ sinh thái thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa...

Tin cùng chuyên mục