Tạo thuận lợi cho chuyên chở hàng hóa đường hàng không

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không.

 Trước đó, Công ty FedEx Express có thư gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị cho đội bay (công dân của Hoa Kỳ, không lưu trú tại Trung Quốc đại lục) được tiếp cận khu vực nghỉ ngơi trong hoặc ngoài sân bay khi máy bay dừng đậu tại các sân bay của Việt Nam.

Trong đó đề xuất một trong các giải pháp để bắt đầu lại các chuyến bay chuyên chở hàng hóa như: loại trừ đội bay (2-3 người) khỏi các hạn chế hiện tại; cho phép các đội bay đi qua khu nhập cảnh để vào một khách sạn được chỉ định để nghỉ ngơi; cho phép các đội bay được rời máy bay và nghỉ ngơi tại một cơ sở của FedEx tại khu vực riêng trong sân đậu (trên xe buýt hoặc phương tiện khác).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GTVT, Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan, khẩn trương có biện pháp giải quyết ngay các kiến nghị của Công ty FexEx trên nguyên tắc bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đến nay không còn cảnh ùn ứ tại cửa khẩu, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã được thông quan thuận lợi trở lại. Tại cửa khẩu Kim Thành II (Bát Xát - Lào Cai), chỉ trong ngày 12-2 đã thông quan được hơn 100 xe container nông sản. Tại cửa ngõ tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết, tại đây các cửa khẩu tiểu ngạch vẫn đang đóng cửa, mới chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Đồng Đăng) thông quan, nhưng trung bình mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 50-60 xe container hàng nông sản.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, tình trạng ùn ứ trái cây xuất khẩu cũng không còn căng thẳng như tuần trước. Tuy nhiên, ngày 14-2, Văn phòng Bộ Công thương cho rằng, các lô hàng nông - lâm - thủy sản và trái cây Việt Nam dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ vẫn sẽ chậm hơn nhiều so với trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Vì vậy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công thương tiếp tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm… Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cũng đã và đang chỉ đạo các phòng quản lý về xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. 

Tin cùng chuyên mục