Tạo sức mạnh cộng hưởng từ các thành phần kinh tế

Các ngành trong nền kinh tế có mối quan hệ mật thiết lẫn nhau, ngành này là đầu vào của ngành kinh tế khác. Nếu các thành phần kinh tế phân chia phù hợp theo chuỗi giá trị, có tác động hỗ trợ lẫn nhau sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia. 

Trong thời gian qua, khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tạo được sự cộng hưởng với nhau trong quá trình phát triển. Trái lại, không ít doanh nghiệp (DN) nhà nước và đầu tư nước ngoài còn có biểu hiện chèn lấn DN tư nhân trong nước. 

Vẫn là những chiếc đũa riêng lẻ

Mặc dù DN nhà nước được xác định là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước (giữ vai trò chủ đạo), tuy nhiên quá trình hoạt động ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, như đầu tư không hiệu quả, gây thua lỗ, mất vốn, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc đầu tư dàn trải của DN nhà nước gây tác động lấn át các khu vực kinh tế khác, không tạo sự cộng hưởng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. 

Doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sản xuất thay thế xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo sự lan tỏa công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra chính sách thu hút FDI xoay quanh các ưu đãi về thuế thu nhập DN; miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ thủ tục pháp lý và chủ động hội nhập sâu rộng thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tạo sức mạnh cộng hưởng từ các thành phần kinh tế ảnh 1 Sản xuất cáp điện tại một công ty liên doanh. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, không ít DN FDI chưa hợp tác, thậm chí “chèn lấn” với DN bản địa, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa như mong đợi. Nhiều lĩnh vực có DN FDI tham gia thì DN bản địa ngày càng thu hẹp hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Kỳ vọng lớn nhất của chính sách thu hút FDI là tạo ra động lực thúc đẩy hình thành nền tảng công nghiệp quốc gia vững chắc. Thế nhưng, nhiều DN FDI khi đi vào hoạt động chỉ tận dụng các ưu đãi về thuế, mặt bằng, thậm chí lợi dụng những chính sách này để dễ bề thực hiện hành vi né thuế đối với Việt Nam.

Tạo sức mạnh của bó đũa

Để tạo nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần xác định thành phần kinh tế trung tâm trong nền kinh tế và các thành phần giữ vai trò thúc đẩy, lôi kéo. Kinh tế tư nhân hội đủ các yếu tố về động lực sáng tạo nên tiềm năng phát triển bứt phá sẽ rất lớn. Mọi cơ chế, chính sách cần được thiết kế nhằm thúc đẩy sự cộng hưởng của 3 khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. 

Quan điểm xuyên suốt trong xây dựng các cơ chế chính sách phát triển DN là tạo công ăn việc làm, tạo phúc lợi xã hội cho người lao động, phát triển công nghệ và đóng góp nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, cần xem phát triển DN tư nhân trong nước là trung tâm, DN nhà nước giữ vai trò thúc đẩy và hỗ trợ tư nhân phát triển. Phát triển DN FDI theo hướng kết nối được với DN tư nhân trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để cụ thể hóa nhanh quan điểm này, cần định hướng các thành phần kinh tế phát triển như sau:

Xem DN tư nhân trong nước là trung tâm, vì hội tụ đầy đủ các yếu tố về động lực và tiềm năng phát triển. Phát triển DN nhà nước và FDI sao cho tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Trọng tâm là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, kết nối hạ tầng, nhân lực, hệ thống cung ứng, dịch vụ công, logistics… giúp DN thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. 

Cơ cấu lại DN nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn không hấp dẫn DN tư nhân và an ninh quốc phòng, những lĩnh vực có vai trò thúc đẩy và phát triển công nghệ, dẫn dắt các DN nhỏ trong phát triển công nghệ. 

Thu hút DN FDI nhằm huy động nguồn lực từ bên ngoài phục vụ quá trình công nghiệp hóa. Phương châm xuyên suốt là thúc đẩy DN FDI “ăn sâu, bám rễ” tại Việt Nam. Cần xác định cấu trúc chuỗi giá trị của mỗi ngành và đánh giá khả năng, mức tham gia của DN bản địa, từ đó xác định lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI. Ưu tiên thu hút FDI có khả năng bổ khuyết cho nền kinh tế, hoặc những khâu giữ vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành mà DN bản địa không đảm đương được.

Để tạo ra được sự cộng hưởng giữa DN FDI với DN bản địa, cần có chính sách thúc đẩy các DN FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các DN nhỏ và vừa. Đồng thời thực hiện các chính sách trợ giúp DN bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… để có thể gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Để DN tư nhân phát triển, cần số hóa hoàn toàn hoạt động quản lý nhà nước đối với DN, như đăng ký kinh doanh, cấp phép, khai và quyết toán thuế, hạ tầng phục vụ cho DN tiến vào kỷ nguyên số... Đồng thời ưu tiên triển khai các dự án xây dựng hạ tầng, nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho DN. Khi kinh tế tư nhân phát triển sẽ tạo được công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, phát triển con người, đóng góp ngân sách, phát triển khoa học - công nghệ... giúp người Việt giàu lên và vươn xa khắp nơi trên thế giới. Đó chính là hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Với cơ chế mới này, DN nhà nước sẽ thu hẹp quy mô và lĩnh vực hoạt động. Khi đó, nguồn lực (vốn, công nghệ, nhân lực) di chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân sẽ được sử dụng sáng tạo và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tốt hơn, người Việt phát huy được tinh thần làm chủ, làm giàu mạnh mẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục