Tạo sự chủ động hơn nữa cho TPHCM

Sau khi tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, TPHCM mong muốn sớm có Nghị quyết thay thế chứa đựng những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sự chủ động hơn nữa cho sự phát triển của thành phố.

Trong những nội dung đề xuất cho Quốc hội lần này (bao gồm các lĩnh vực: quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội, tổ chức bộ máy, trung tâm tài chính quốc tế và TP Thủ Đức), TPHCM có đề cập việc thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo khả năng cân đối và nhu cầu sử dụng. 

Nghĩa là, sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương cho thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TPHCM được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Điều này cho thấy thành phố muốn giữ nội dung về chi thu nhập tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ sau khi kết thúc Nghị quyết 54. Còn mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố cũng sẽ do HĐND TPHCM quy định.

Trong khả năng của mình, TPHCM phấn đấu đảm bảo nguồn chi cho nội dung này nhằm trả thù lao xứng đáng theo năng suất lao động cho cán bộ, công chức, viên chức. Thậm chí trong tương lai, thành phố có thể thực hiện thí điểm việc chi thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn doanh nghiệp như một số nước để giữ chân người giỏi.

TPHCM đề nghị cho phép HĐND TPHCM quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và các đối tượng khác do thành phố quản lý. Quá trình thực hiện sẽ gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Quyết định các chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TPHCM mà không phải lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

TPHCM cũng đề xuất cho phép UBND TPHCM có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM đảm bảo các tiêu chí, điều kiện theo quy định pháp luật. Xác định chức năng nhiệm vụ của các sở ngành thuộc UBND TPHCM phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn  đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở từng ngành và lĩnh vực.

Mặc khác, cho phép Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

TPHCM cũng đề nghị việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại UBND xã, thị trấn thực hiện theo quy định công chức và thuộc biên chế công chức được giao hàng năm của UBND huyện.

Nhìn chung nội dung kiến nghị về phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trên cơ sở mỗi việc có một tổ chức, một người chịu trách nhiệm, tạo sự chủ động, nâng cao hiệu quả công việc, hạn chế tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và nhiều việc phải xin ý kiến nhiều cơ quan, mất nhiều thời gian chờ đợi trong khi cuộc sống và người dân của một thành phố lớn, đông dân luôn đòi hỏi phải giải quyết nhanh.

Tại kỳ họp lần thứ 4 này, nếu Quốc hội cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 54 thêm một năm thì việc chuẩn bị để có Nghị quyết thay thế cũng sẽ được tiến hành khẩn trương trên cơ sở xem xét các vấn đề đặt ra một cách thấu đáo, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Tin cùng chuyên mục