Tạo sân chơi cho trẻ em

Mô hình “Sân chơi thiếu nhi bằng vật liệu tái chế” đã được Phòng Kết nối tình nguyện (Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TPHCM) tổ chức thực hiện hơn 2 năm nay. Các bạn thanh niên tình nguyện đã tạo gần 20 sân chơi tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa. 
Thiếu nhi vùng sâu, vùng xa vui mừng với sân chơi bằng vật liệu tái chế
Thiếu nhi vùng sâu, vùng xa vui mừng với sân chơi bằng vật liệu tái chế

Anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Kết nối tình nguyện, cho biết: “Các bạn thanh niên tình nguyện tại đây đều còn đang ngồi trên ghế giảng đường. Nhưng với kiến thức, sự cần cù và lòng thiện nguyện, các bạn đã tranh thủ giờ rảnh sửa chữa máy tính, đèn, dàn loa…, để tạo các sân chơi thiếu nhi. Sân chơi gồm nhiều thiết bị trò chơi đơn giản như bập bênh, xích đu, thú nhún, đường đi bánh xe, khu vườn trên mây…, với nhiều màu sắc tươi trẻ, tất cả đều làm từ vật liệu tái chế. Tạo mỗi một sân chơi như vậy cũng mất nhiều công sức, từ 10 ngày đến 1 tháng”. 

Bạn Lê Quang Phú, cán bộ của phòng, cho biết: “Làm thiết bị trò chơi cho trẻ không khó, nhưng do kinh phí có hạn, nên chúng tôi chọn giải pháp tận dụng những vật liệu tái chế, như vỏ xe, chai nhựa… sao cho hiệu quả. Qua việc vận động tài trợ, chúng tôi được các doanh nghiệp nhiệt tình hỗ trợ. Để giảm tối đa kinh phí, anh em chúng tôi tự bỏ công sức ra làm, cùng ngồi lại với nhau để vẽ mô hình, phối màu, hàn, cắt, sơn… Qua công việc này, đến nay các anh em ở Phòng Kết nối tình nguyện đều đã trở thành “thợ lành nghề”. Chúng tôi có thể thực hiện thành thạo việc hàn, cắt kim loại, đào đất, xây tường gạch, sơn nước, quét vôi…”.

Những chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa để tạo dựng sân chơi cho trẻ em đều để lại những kỷ niệm đẹp cho các bạn thanh niên tình nguyện. Để tiết kiệm chi phí thuê xe, mỗi chuyến đi như vậy, các bạn tự di chuyển bằng xe máy; chỉ thuê xe tải để chở vật liệu, dụng cụ, nồi niêu, quà tặng. Bạn Đỗ Tấn Vinh, cán bộ của phòng, kể: “Nhớ nhất là các chuyến đi đến vùng biên giới ở các tỉnh Bình Phước, Long An… Mỗi lần như vậy, anh em chúng tôi có dịp trải nghiệm và có thêm kỹ năng sống. Nhớ lần làm sân chơi thiếu nhi ở sân Trường Tiểu học Thái Bình Trưng (phân hiệu tại ấp 3 huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), đất rất cứng, anh em đào chừng 1 giờ đã phồng rộp tay. Thấy vậy, các thầy cô tận tình chung tay với chúng tôi. Đi đến đâu, anh em chúng tôi cũng tự tổ chức nấu ăn để tiết kiệm. Những khi làm nhiều ngày tại điểm ở xa chợ, hết thực phẩm, anh em phải ăn mì gói thay cơm là chuyện bình thường. Người dân thương liền đi câu cá, bắt gà vịt đãi chúng tôi. Cảm động lắm!”.

Khi đến với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các bạn thanh niên tình nguyện thường rất tham công, tiếc việc, thực hiện cùng lúc nhiều chương trình. Cụ thể như phối hợp với Tỉnh đoàn, Huyện đoàn trao tặng quà cho trẻ em nghèo, mở siêu thị 0 đồng giúp người nghèo ở biên giới, lập không gian ẩm thực, tổ chức trò chơi giao lưu cho thanh niên… Mỗi người, mỗi việc theo phân công, và cứ lặng lẽ thực hiện. 

Hơn 2 năm qua, Phòng Kết nối tình nguyện đã làm gần 20 sân chơi thiếu nhi như vậy tặng cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Các sân chơi thiếu nhi bằng vật liệu tái chế là công trình tặng, nhưng được “bảo hành” lâu dài. Hàng tháng, hàng quý, anh em lại lên kế hoạch trở lại các sân chơi xem xét tỉ mỉ những chi tiết bị hư, cũ, để sửa chữa, tân trang. Chỉ tay lên tấm bảng công tác treo trên tường, anh Võ Quốc Bình cho biết: “Cuối tuần này, chúng tôi sẽ đi Bình Phước. Các thầy cô ở trên ấy vừa điện thoại báo có một số mối hàn bị bung, vỏ xe đã bay màu sơn. Hơn 6 tháng trước, chúng tôi làm sân chơi thiếu nhi ở đó, thấy thương lắm, anh em chưa làm xong mà chiều nào các cháu cũng vây quanh xin vào chơi. Mình mà làm chậm trễ là có lỗi với các em nhỏ”.

Tin cùng chuyên mục