Tạo nền tảng chuyển đổi công nghệ số

Chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, không chỉ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chúng chi phối hầu hết các lĩnh vực, mọi khía cạnh kinh tế - xã hội. Đây là một vấn đề thực tiễn cần được tổng kết đánh giá, nhằm đề ra định hướng và chính sách phát triển phù hợp.
Người dân TPHCM thực hiện khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG
Người dân TPHCM thực hiện khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG

Xu hướng thực tiễn

Mọi hoạt động giao tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (DN), giữa DN với đối tác, khách hàng, cũng như giao tiếp cộng đồng trong sinh hoạt hàng ngày… đều có thể thực hiện thông qua nền tảng công nghệ số. 

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, DN ứng dụng công nghệ số để tự động hóa công tác quản trị từ chào hàng, tìm kiếm nhà cung cấp, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, bán hàng và thanh toán. Các dây chuyền sản xuất tích hợp chuyển đổi số giúp khách hàng kiểm soát tiến độ sản xuất đơn hàng từ xa một cách chính xác. Các phần mềm quản lý giúp lưu giữ thông tin, theo dõi dữ liệu và truy xuất thông tin các báo cáo phân tích chính xác, kịp thời đưa ra các quyết định quản trị đúng đắn. Việc chào mời khách hàng, giao hàng, thanh toán… cũng thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm hơn cho DN và đối tác giao dịch.

Trong thời gian qua, hầu hết các DN kịp thời chuyển đổi công nghệ số từ khâu sản xuất, kiểm soát chất lượng, marketing, bán hàng đến các hoạt động hỗ trợ như hành chính, nhân sự, kế toán… đã tạo ra được lợi thế cạnh tranh vượt trội và kinh doanh hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số thường vướng phải nhiều trở lực, nhất là nguồn nhân lực chưa quen với cách làm mới nên thường có thái độ thiếu hợp tác, nhất là trong giai đoạn đầu triển khai các dự án chuyển đổi số. 

Trong quản lý xã hội, cơ quan quản lý nhà nước các ngành có thể liên thông với nhau trên nền tảng công nghệ số nên tiết kiệm được thời gian họp hành, truy xuất dữ liệu quản lý. Đồng thời, giúp dễ dàng phát hiện các vấn đề phát sinh, kịp thời ban hành những chính sách điều chỉnh. Các thủ tục hành chính của người dân và DN được thực hiện từ xa trong hầu hết các lĩnh vực thuế, bảo hiểm, hải quan, quản lý dân cư…

Trong giao tiếp, sinh hoạt cá nhân của người dân và giao tiếp cộng đồng cũng có nhiều thay đổi. Người dân có thể kiểm soát các hoạt động sinh hoạt từ kiểm tra sức khỏe, đặt mua hàng, giám sát nhà cửa, việc học hành của con cái… thực hiện từ xa. Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cũng được tổ chức dưới nhiều phương thức, thông qua tạo các nhóm cộng đồng trao đổi, chia sẻ, thảo luận. Phản ánh của cộng đồng, người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước cũng được nhanh chóng và chính xác hơn.

Mặc dù vậy, việc chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam còn chậm, nhất là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và cộng đồng. Bởi khi thực hiện chuyển đổi số, đòi hỏi các nghiệp vụ quản lý sẽ có sự thay đổi rất lớn. Trong khi đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần có nhiều thời gian để thích ứng với cách làm mới. Mặt khác, chuyển đổi số đồng nghĩa với việc minh bạch thông tin nên còn đâu đó vài cơ quan, đơn vị không mong muốn chuyển đổi số. 

Muốn chuyển đổi số, trước hết phải thay đổi cách làm chuẩn, hàng loạt các thay đổi được diễn ra. Tất cả các công tác đều được bổ sung nhiệm vụ nhập dữ liệu, in báo cáo và tương tác với hệ thống phần mềm chuẩn. Bên cạnh đó, nhân sự phải tham gia đào tạo cách làm mới, cách sử dụng các phần mềm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Không phải ai cũng quen với các áp lực từ thay đổi, cũng như không phải ai cũng có khả năng tiếp thu cái mới tốt. Do vậy, xung đột thường xảy ra trong giai đoạn đầu triển khai.

Thể hiện quyết tâm chính trị 

Muốn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc thúc đẩy chuyển đổi số về mọi mặt, nhà nước cần đặt ra định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ chuyển đổi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

Trước hết là thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và tiếp tục các chương trình cải cách hành chính theo hướng chuyển đổi số. Để tạo bầu không khí chuyển đổi, chính quyền cần đi đầu trong chuyển đổi số quản trị nhà nước. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các cơ quan, ban ngành phải minh bạch thông tin và cán bộ, nhân viên thích ứng với công nghệ mới. Khi chuyển đổi số trong quản lý sẽ tinh giảm rất nhiều biên chế. Bởi, phần lớn công việc được tự động hóa xử lý qua phần mềm, cũng như việc tính toán phục vụ có các quyết định cũng đã được lập trình tự động và chuyển tải kết quả đến những nơi cần nhận thông tin. 

Cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Trong quá trình xây dựng hệ thống thông tin công nghệ số thực hiện nghiệp vụ quản lý nhà nước, các cơ quan cần xây lại biểu biên chế và tiêu chuẩn nhân sự mới, nhất là tiêu chuẩn liên quan đến khả năng làm chủ công nghệ trong thực hiện công tác. Khi đó, số lượng nhân lực sẽ dôi dư rất nhiều so với hiện tại. Cần có biện pháp tạo công ăn việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho số nhân lực tinh giảm do không đạt tiêu chuẩn này.

Thứ hai là thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, giáo dục, y tế, giao thông đô thị, giải trí. Khi đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, mỗi ngành phải có trách nhiệm đề xuất những chương trình dự án đầu tư hạ tầng chuyển đổi số cụ thể. Chẳng hạn, ngành giáo dục đầu tư hệ thống học liệu dạy trực tuyến cho từng lớp học; ngành y tế đầu tư hệ thống theo dõi dữ liệu sức khỏe bệnh nhân liên thông trong toàn ngành y tế cả nước và liên thông với các ngành có liên quan, như bảo hiểm… Các ngành quản lý nhà nước như thuế, bảo hiểm, hải quan, ngân hàng, công an… cũng cần hạ tầng thông tin liên thông dữ liệu quản lý để tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục, minh bạch, bình đẳng với mọi người dân và DN.

Thứ ba là thúc đẩy DN chuyển đổi số. Khi quản lý nhà nước đối với DN thông qua các nền tảng công nghệ số, buộc lòng DN cũng chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có những chương trình hỗ trợ, thúc đẩy DN chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư là thúc đẩy người dân thực hiện các hoạt động giao tiếp, giao dịch và các thủ tục hành chính thông qua các công cụ công nghệ số. Hiện tại, có nhiều thủ tục hành chính đã có nền tảng công nghệ, nhưng còn phần lớn người dân chưa quen với cách làm mới. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp để người dân quen dần với cách thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức mới. Đồng thời, cần những chương trình, dự án cụ thể trong việc đầu tư hạ tầng số các ngành giao thông, đô thị, thông tin liên lạc… tạo điều kiện cho cộng đồng sử dụng công nghệ số trong đời sống của họ.

Gần 100 doanh nghiệp tham gia Smart City Asia 2020 ở TPHCM

Ngày 14-7, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm quốc tế về đô thị thông minh châu Á 2020 (Smart City Asia 2020) với sự bảo trợ của Bộ TT-TT và UBND TPHCM.

Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 3-9 đến 5-9 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM). Smart City Asia 2020 được kỳ vọng sẽ là tiền đề để xây dựng những sự kiện thường niên uy tín trong khu vực mang tầm quốc tế về đô thị thông minh. Triển lãm dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 200 gian hàng trưng bày và gần 100 đơn vị trong nước, quốc tế đến từ các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc… Các chủ đề trưng bày xoay quanh các nhóm giải pháp về công nghệ chiếu sáng công cộng, trang thiết bị để xây dựng và quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống an ninh - an toàn trong hệ sinh thái thành phố thông minh…

Trong khuôn khổ Smart City Asia 2020 sẽ diễn ra Diễn đàn Phát triển đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số, với các phần trình bày chuyên sâu như: kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thành phố thông minh; xây dựng và phát triển các hạ tầng nền tảng cho đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của Việt Nam; an toàn và an ninh cho công dân trong đô thị thông minh. 

                                                                                                TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục