Tạo môi trường để doanh nghiệp “chịu lớn”

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét, không thể có nền kinh tế độc lập và tự chủ nếu không có lực lượng doanh nghiệp (DN) “khỏe”. Quốc gia không cường thịnh nếu thiếu vắng các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Các tập đoàn này sẽ là các trụ cột của nền kinh tế, là xương sống tạo ra các chuỗi để dẫn dắt các DN khác phát triển. Thế nhưng, bức tranh về DN tư nhân hiện nay mang đến nhiều điều đáng lưu tâm.

Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm, cả nước có 163.300 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, bình quân có 18.100 DN/tháng thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Về quy mô DN, theo Bộ KH-ĐT, hơn 96% DN ở Việt Nam ở mức nhỏ và vừa - tỷ lệ “ổn định không lớn” duy trì nhiều năm.

Theo ông Trần Đình Thiên, tuổi thọ trung bình của rất nhiều DN Việt Nam chỉ 4-5 năm. Trong khi đó, một DN được lập ra chỉ hoạt động được 5 năm, chưa có đóng góp gì nhiều. Đó là một rủi ro, một sự lãng phí nguồn lực. Số còn lại, phần lớn chỉ vượt được quá ngưỡng 5-10 năm. Thực tế này cho thấy, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, vẫn còn nhiều rào cản.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đánh giá, những yếu tố khiến DN tư nhân “không muốn lớn” có lý do là nhận thức xã hội về kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước vẫn thiên về kiểm soát, nên có xu hướng ban hành nhiều quy định còn chồng chéo, khiến DN tư nhân lúng túng vận dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, dù DN tư nhân trong nước đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng khu vực này còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian tới, bối cảnh địa chính trị, kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức và cơ hội đan xen.

Vì vậy, để có được đội ngũ DN Việt Nam đủ mạnh, vai trò của nhà nước không chỉ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn mà còn cần phải thể hiện bằng những hành động hỗ trợ thực sự cho DN. Trong đó, cần tạo ra một cơ chế bình đẳng giữa các DN trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn; hỗ trợ DN tiếp cận và khai thác thị trường; tạo điều kiện và hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Đồng thời, theo các chuyên gia, DN cũng cần chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa DN… 

Tin cùng chuyên mục