Tạo không gian cho hội họa

Hội họa không quá kén khán giả nhưng vẫn không rầm rộ như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Để hiểu và cảm được nội dung, nhìn ra cái hay cái đẹp của một bức tranh đòi hỏi người xem phải có một gu thẩm mỹ nhất định. Và hội họa cũng cần đặt để trong một không gian thích hợp thì cái đẹp mới phát huy, định hình thị hiếu thưởng thức cho khán giả.
Một buổi triển lãm tại Sàn Art
Một buổi triển lãm tại Sàn Art

Ngõ nghệ thuật

Không gian trưng bày hơn 100 bức tranh hội họa đương đại và những mảng màu thể hiện vẻ đẹp dung dị bình yên của cuộc sống thường ngày tại Ngõ Art Gallery (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM), thu hút khán giả ở lại khá lâu để thưởng thức. Anh Trung Hoàng (43 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi thích kiểu tranh dễ xem dễ hiểu như ghi lại khoảnh khắc nào đó trong đời sống thường nhật. Ở đây có khá nhiều họa sĩ tên tuổi và nhiều dòng tranh để mỗi người thưởng lãm theo ý mình”.

Không dừng lại ở trưng bày, Ngõ Art còn thiết kế những khu vực để người xem có thể ngồi lại cùng bàn luận về hội họa. “Nếu chỉ có mua bán thì đặt hàng online cũng được. Những không gian thế này khác hẳn phòng tranh thương mại, người xem hoặc mới bước vào thị trường mỹ thuật như tôi có thêm cơ hội để tìm hiểu về hội họa”, chị Phạm Tú Trang (38 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết. Có thể nói, việc mua bán tranh là công việc chủ yếu ở các gallery, tuy nhiên nếu chỉ có mua bán và ký gửi tác phẩm của các họa sĩ là không đủ. Để hoạt động mỹ thuật sôi nổi và thu hút, cần hơn hết là một lớp khán giả biết thưởng thức và không nơi nào thích hợp hơn các không gian để khán giả thưởng thức mỹ thuật một cách bài bản, trước khi tính đến việc mua bán một bức tranh.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Giám đốc sáng tạo của Ngõ Art Gallery, chia sẻ: “Chúng tôi dự tính vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, Ngõ Art Gallery sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu dành cho những đối tượng bước đầu tìm hiểu về mỹ thuật và âm nhạc. Nội dung sẽ xoay quanh các chủ đề: Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam từng giai đoạn, từng trường phái, nhóm hay từng họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng của mỹ thuật thế giới và Việt Nam từ thời cổ đại tới nay; lịch sử âm nhạc, các trường phái, nhạc sĩ, hay từng tác phẩm tiêu biểu của âm nhạc thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó là các buổi workshop với nhiều đề tài khác nhau: mỹ thuật đương đại, mỹ thuật mới ở Việt Nam và thế giới, chuyên sâu về các chất liệu mỹ thuật truyền thống và hiện đại, tổ chức sáng tác tại chỗ hoặc ngoài trời”.

Nhu cầu thưởng tranh

Khác với những gallery thông thường chỉ tập trung chuyện mua bán và ký gửi tranh cho các họa sĩ, vài năm trở lại đây, nhiều không gian nghệ thuật được mở ra để đáp ứng nhu cầu triển lãm và tạo không gian sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ thị giác. Sàn Art, Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, Monosketch… là những không gian trưng bày và sáng tạo thu hút khán giả lẫn nghệ sĩ trẻ. 

Xem và tương tác cùng những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại phòng trưng bày nghệ thuật Monosketch (quận 1, TPHCM), Phạm Huỳnh Hà Ngân (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết: “Tôi đã xem triển lãm ở đây 3 lần rồi. Lần nào tới cũng thấy thích vì không chỉ là tác phẩm trưng bày mà khách tham quan được bước vào, tương tác với tác phẩm sắp đặt rất thú vị”.

Ấn tượng với triển lãm Vết in từ đất đang diễn ra tại Sàn Art (đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM), Huỳnh Minh Sơn (31 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cho biết: “Ở những không gian chuyên biệt như thế này, việc xem tranh hay tượng gốm đều thấy thích vì tác phẩm được tôn vinh trong không gian trưng bày. Tôi cũng thường ghé các gallery để tìm tranh yêu thích, nhưng nơi này chủ yếu để mua bán chứ không có nhiều không gian để người xem nán lại hay tới lui thường xuyên thưởng thức tác phẩm”.

Thậm chí không ít người ví von, tại những không gian mới này, một nét vẽ đơn giản cũng dễ dàng trở nên nghệ thuật, bởi không gian được thiết kế vừa vặn, dành riêng để tôn vinh tác phẩm. Nơi để các nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu mỹ thuật hay chiếu phim đều tách bạch hẳn với không gian trưng bày. “Góc nào nhìn cũng nghệ thuật, một tờ giấy cũng dễ thành tác phẩm. Bên cạnh trưng bày còn có không gian để trò chuyện cùng các nghệ sĩ. Cả nhóm bạn em, không có ai học về nghệ thuật nhưng đều thích những sự kiện ở đây, bởi dễ cảm nhận và đồng điệu”, Lý Minh Trang (22 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) cho hay.

Sự góp mặt của Ngõ Art hay các gallery khác hiện nay không phải là một điều quá mới mẻ trong thị trường mỹ thuật, nhưng trong xu hướng mới của các gallery, việc chú trọng không gian để người xem thưởng thức và tìm hiểu về mỹ thuật hy vọng sẽ góp phần nâng cao thẩm mỹ trong cộng đồng, đào tạo một lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật.

Họa sĩ Việt Kim Quyên, thành viên Ngõ Art Gallery: "Thế giới đang phát triển rất nhanh, các họa sĩ/ nghệ sĩ Việt Nam cũng không thể dừng lại mà cần tích cực, chủ động trao đổi về lý luận và sáng tác giao lưu cùng nhau. Ngay từ đầu, Ngõ Art Gallery xây dựng và phát triển theo hướng là nơi tìm và phát hiện các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam, sẽ có những chính sách cụ thể để thúc đẩy sáng tạo mang tính mới, tính nhân văn và giá trị thẩm mỹ cao, chứ không chỉ có mua bán tranh đơn thuần"

Tin cùng chuyên mục