Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động đi vào nề nếp

LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an) về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các ý kiến xung quanh vấn đề này, Báo SGGP tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân và lực lượng chức năng về Dự án Luật, nhằm thu hút, củng cố, kiện toàn lực lượng này ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay

Đại tá HUỲNH QUANG TÂM, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM:  Cơ sở để xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ  

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động đi vào nề nếp ảnh 1 Đại tá Huỳnh Quang Tâm

Từ năm 2015, lực lượng cảnh sát PCCC đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền hợp nhất các lực lượng trị an cơ sở, trong đó có lực lượng dân phòng được thành lập ở khu dân cư theo yêu cầu của Luật PCCC và các lực lượng bảo vệ khu phố. Đến năm 2020, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, trong đó có quy định phân cấp một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC cho UBND cấp xã, thì lực lượng dân phòng thực sự trở thành “cánh tay nối dài”, là lực lượng nòng cốt quan trọng của lực lượng PCCC ở cơ sở. Với nhiệm vụ đó, đòi hỏi lực lượng PCCC tại chỗ ở khu dân cư phải được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa năng và chuyên sâu hơn. Việc hợp nhất và luật hóa các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới, tình hình mới hiện nay.

Trên cơ sở hợp nhất các lực lượng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được tuyển chọn lại cho phù hợp với tiêu chí và yêu cầu công tác; đồng thời góp phần tinh giản bộ máy, tổ chức ở cơ sở, từ đó sẽ có nhiều nguồn lực hơn để chăm lo cho lực lượng này. Mỗi khu dân cư hình thành 1 đội hoạt động theo chế độ chuyên trách với số lượng thường trực tối thiểu 10 người trong 1 ca trực, để có thể tập trung được sức mạnh nguồn nhân lực, phương tiện trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC và tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tại địa bàn dân cư tạo thuận lợi trong chỉ huy điều hành xử lý vụ việc.

Trung tá PHẠM ĐĂNG KHẢI, Phó Trưởng Công an phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TPHCM): Cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động đi vào nề nếp ảnh 2 Trung tá Phạm Đăng Khải

Trên địa bàn các phường, người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên trong những tình huống nhất định, chưa có quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý bảo vệ những người này. Chẳng hạn, người dân tham gia bắt trộm, cướp, hoặc hình thành những nhóm hiệp sĩ tự phát mà chưa rõ quyền hạn mình tới đâu, và pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi, bảo đảm chế độ cho lực lượng này. Nếu có quy định cụ thể thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Về  mặt chính sách, cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thống nhất quy định nhiệm vụ, hoạt động, chế độ chính sách và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tôi đề xuất có thể xem xét mở rộng diện tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đó là những người có tiền án, tiền sự nhưng tại thời điểm tuyển chọn, người đó thực sự gương mẫu; người có tiền án về các tội do lỗi vô ý, vi phạm ở độ tuổi chưa thành niên, nhận thức chưa đầy đủ mà có tinh thần đấu tranh chống tội phạm, có uy tín ở địa phương. Việc này sẽ thu hút, củng cố, kiện toàn lực lượng nói trên ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ, nâng cao chế độ, phụ cấp, đãi ngộ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông VŨ HUY LONG, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM): Chấn chỉnh hoạt động các “nhóm đường phố”

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động đi vào nề nếp ảnh 3 Ông Vũ Huy Long

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành đã xuất hiện một lực lượng “Anh hùng đường phố”, “Hiệp sĩ đường phố”... Dù là tên gọi gì thì đó cũng là tổ chức tự phát, tập hợp các anh em dũng cảm, sẵn sàng tham gia truy bắt quả tang đối tượng phạm pháp trên đường phố. Có nơi nhóm này được chính quyền, công an địa phương quản lý. Nhưng, cũng có một số nhóm tự phát hoạt động và không được sự quản lý, hướng dẫn sâu sát của các cơ quan nghiệp vụ. Các nhóm người đó đã lập được nhiều thành tích trong tham gia tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp, giật trên đường phố. Việc làm của họ đã góp phần không nhỏ trong hoạt động phòng chống tội phạm tại các địa phương. 

Tuy nhiên, do không được các cơ quan chức năng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến pháp luật…, nên không ít lần các nhóm hoạt động đường phố đã vượt quá giới hạn cho phép. Tiếc thay, một số người “đang đi bên phải” lại vô tình “bước qua lề trái”. Mới đây, một số người đã thành lập “Đội tuần tra hỗ trợ người dân”. Họ trang bị bộ đàm, công cụ hỗ trợ…, rồi sử dụng xe gắn máy chạy trên đường phố để nhắc nhở người dân cảnh giác với tội phạm. Nếu chỉ dừng lại ở hành động nêu trên thì có lẽ không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, họ lại ra hiệu lệnh dừng phương tiện và kiểm tra giấy tờ của người đi đường. Trên đường tuần tra, Công an quận Bình Tân đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vụ việc này. Cũng như mọi người dân khác, chúng tôi hy vọng khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời thì việc hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với lực lượng này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ sự chấn chỉnh đó, công tác phòng chống tội phạm sẽ hoạt động có chiều sâu và rộng khắp!

Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY, phường 1, quận Gò Vấp (TPHCM): Cần có đồng phục nghiêm chỉnh

Chúng tôi có đứa cháu đang học ở nhà trẻ. Cháu hay kể chuyện trong lớp cho mọi người nghe. Trong đó, chúng tôi khá thú vị khi cháu phân biệt được ai là công an, người nào là bảo vệ. Cháu cho biết, cô giáo có dạy khi gặp nguy hiểm thì cứ la thật to và chạy nhanh đến những người này. Các cô, chú đó sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Cháu tôi cho biết có thể nhận biết được những người này là nhờ đồng phục họ đang mặc. 

Chúng tôi đề cập đến đồng phục, bởi lẽ, đó chính là tín hiệu ban đầu để nhận biết người đó thuộc lực lượng nào. Gần đây, lực lượng vũ trang có đồng phục chiến đấu hay đi hành quân cơ động rất rắn rỏi. Do vậy, chúng tôi mong muốn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có đồng phục nghiêm chỉnh, góp phần giúp họ đủ sức thuyết phục, vận động người dân cũng như có phong cách răn đe tội phạm một cách hợp lý. Bởi lẽ, 2 lực lượng chúng tôi cho rằng nòng cốt trong đội hình tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố. Tuy nhiên, đồng phục hiện nay của 2 lực lượng này lại rất sơ sài, không có gì đặc biệt. Nếu không có huy hiệu ở vai áo thì không thể nào phân biệt được. Đất nước ta đang trong thời kỳ xây dựng và phát triển trong hòa bình, nhưng không vì thế mà lơ là với các loại tội phạm đang hoạt động lẩn khuất trên đường phố, trong khu dân cư. Lực lượng bảo vệ ở cơ sở với đồng phục nghiêm chỉnh, rắn rỏi sẽ tạo sự răn đe với các loại tội phạm và tăng thêm sự tin tưởng với người dân. 

Tin cùng chuyên mục