Tạo dựng tinh thần yên ổn

“Chị ơi! Để đảm bảo an toàn, em phải dọn đồ đạc vào xưởng và ở lại đây làm việc. Chuỗi ngày sống xa gia đình, nhớ chồng con, em phải làm sao? Nếu bỏ việc giữa mùa dịch thì gia đình em rơi vào cảnh khốn đốn lắm!”. Giọng như nấc nghẹn của chị Lê Thị Thu Tâm ở TP Thủ Đức, TPHCM qua điện thoại khiến chị Phan Thị Thu Hà, thành viên của nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn” quặn thắt lòng.
Người dân cần hỗ trợ tư vấn về tâm lý hãy gọi đến số điện thoại trên poster của nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn”
Người dân cần hỗ trợ tư vấn về tâm lý hãy gọi đến số điện thoại trên poster của nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn”

1. Chị Thu Hà vội vã chuyển cuộc gọi cho chuyên gia tâm lý trong nhóm để kịp thời tư vấn cho chị Tâm. Đây là một trong những câu chuyện cảm động mà các điều phối viên tiếp nhận từ phía bên kia đầu dây điện thoại. Và tất cả đều miễn phí.

Hơn 10 ngày qua, chị Thu Hà hầu như không giây phút nào rời điện thoại. Với nhiệm vụ điều phối viên, chị tiếp nhận các cuộc gọi của người dân, sau đó chuyển đến cho các chuyên gia tư vấn. Trung bình mỗi ngày, chị tiếp nhận hơn 10 cuộc gọi nhờ được tư vấn tâm lý, sức khỏe… Với tiêu chí không để người cần trợ giúp chờ lâu sốt ruột, những cuộc gọi lúc 1 - 2 giờ sáng cũng được chị chuyển gấp đến các chuyên gia.

“Dù tư vấn miễn phí, nhưng đội ngũ chuyên gia luôn lắng nghe, chia sẻ giúp những người cần hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc bất cứ lúc nào”, chị Thu Hà cho biết thêm.

Không chỉ những công nhân sống xa gia đình, bị mất việc trong lúc TPHCM đang gắng sức chống dịch, mà có rất nhiều “khách hàng” của nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn” là những cụ già. Tuổi cao sức yếu, họ lo lắng không có đủ sức đề kháng chống lại dịch Covid-19 nên bị mất ngủ, căng thẳng.

Bà Thúy Loan (62 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) sau khi được nhóm tư vấn, đã chia sẻ: “Mấy hôm nay, thấy số người mắc Covid-19 tăng lên, tôi lo lắng phập phồng không thể chợp mắt được. May là nhờ chuyên gia tâm lý trò chuyện, động viên mỗi ngày nên tôi yên tâm hơn khi ở nhà chống dịch bên cạnh con cháu”. 

2. Công việc bị gián đoạn, giảm thu nhập, thậm chí đột ngột mất đi người thân... bởi dịch Covid-19, đã làm xáo trộn đời sống, gây ảnh hưởng tâm lý của nhiều người. Khi bị căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, hay thậm chí là trầm cảm, rất nhiều người cần sự hỗ trợ về tâm lý, hoặc chỉ đơn giản là cần người lắng nghe, sẻ chia những cảm xúc mà họ đang gặp phải.

Nhận thấy điều này, TS tâm lý Lê Thị Linh Trang thành lập nhóm tư vấn tâm lý, sức khỏe cho cộng đồng mang tên “Tạo dựng tinh thần yên ổn”. Sau khi đăng tải thông tin kêu gọi trên trang cá nhân vào giữa tháng 7, nhiều chuyên gia tâm lý dày dặn kinh nghiệm, những diễn giả truyền cảm hứng, hay chuyên gia ở các lĩnh vực giáo dục, y khoa, pháp luật đã liên hệ TS Linh Trang để tình nguyện tham gia. Đơn giản như cái tên, nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn” ra đời với mong muốn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng giữa mùa dịch bệnh. 

Từ khi hoạt động đến nay, nhiều thanh thiếu niên cũng gọi đến nhóm “Tạo dựng tinh thần yên ổn” nhờ hỗ trợ tư vấn. “Một bạn nam gần 30 tuổi gọi cho tôi với sự cô đơn, tuyệt vọng. Công việc trong mùa dịch bất ổn, kèm theo sự tiêu cực trong những mối quan hệ trước đó khiến bạn này buồn chán, sa sút tinh thần. Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, tôi đã khuyên bạn nên tận dụng thời gian này để làm những việc có ích như học ngoại ngữ online, đọc sách, trồng cây… Những việc trên sẽ giúp bạn tích cóp thêm kiến thức cho bản thân, đồng thời trân quý hơn cuộc sống này”, chị Thạch Trúc, một điều phối viên kể lại. 

Sau khi được tư vấn tận tình, không chỉ kết bạn trên Zalo mà các chuyên gia và người cần hỗ trợ trở thành bạn bè. “Không chỉ tư vấn một lần để gỡ bỏ khúc mắc rồi thôi, mà các chuyên gia của nhóm thường xuyên nhắn tin thăm hỏi những người gặp áp lực tâm lý để tiếp tục truyền năng lượng tích cực cho họ”, chị Thạch Trúc cho hay. 

Không kể nửa đêm về sáng hay bất cứ giờ giấc nào, cứ hễ ai cần thì các chuyên gia tư vấn “Tạo dựng tinh thần yên ổn” đều sẵn sàng hỗ trợ gỡ rối những khúc mắc về sức khỏe tâm lý. Tạo được tinh thần yên ổn để sống vui, sống khỏe, tràn đầy năng lượng tích cực cho mỗi người dân là phần thưởng lớn nhất dành cho họ. “Làm việc không thù lao nhưng với sự tận tình, nhóm đã tạo được niềm tin ở nhiều người. Khi dịch bệnh qua đi, nếu nhóm vẫn hoạt động thì tôi sẽ tiếp tục đăng ký tham gia”, chị Thu Hà bày tỏ.

Nhóm hiện có hơn 30 thành viên, ưu tiên tư vấn cho người dân ở khu phong tỏa, bệnh viện điều trị Covid-19, hay những người vừa cách ly vừa làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có vấn đề về tinh thần cần được nâng đỡ, gỡ rối. Danh sách các tình nguyện viên đăng ký mới tăng nhanh qua từng ngày. Bằng kiến thức chuyên môn hỗ trợ cộng đồng, nhóm đang lan tỏa sâu rộng nét đẹp tương trợ nhau cùng vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục