Tạo đột phá cho lĩnh vực công nghiệp số

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ TT-TT về thay thế Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025 bằng việc xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025. Đây được xem là sự thay đổi lớn, nhằm sớm hiện thực hóa đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ chất lượng và số lượng, cũng như để tạo bước đột phá cho lĩnh vực công nghiệp số của đất nước.
Hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu chuyển đổi số offline to online tại vườn ươm SHTP-IC. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu chuyển đổi số offline to online tại vườn ươm SHTP-IC. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trụ cột quan trọng 

Trước đó, cuối tháng 11-2021, Bộ TT-TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” thay cho “Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Cùng với việc chấp thuận đề xuất này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ TT-TT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030”, sau khi “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khoa học, tránh trùng lặp giữa các chiến lược.

Trong định hướng phát triển ngành CNTT năm 2022 và giai đoạn 2022-2024, Bộ TT-TT đã xác định rõ việc hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực công nghiệp CNTT và truyền thông (ICT) trong năm 2022. Theo đó, công nghiệp công nghệ số là trụ cột cho xây dựng Chính phủ số, hiện đại hóa, thông minh hóa ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và mọi mặt đời sống xã hội; có sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. 

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của lĩnh vực công nghiệp ICT trong năm 2022 và giai đoạn trung hạn, Bộ TT-TT cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam; hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế; phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất các thiết bị 5G để hoàn thành mục tiêu triển khai cung cấp thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số quốc gia…

Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ 

Trong giai đoạn 2022-2024, Bộ TT-TT xác định, sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và cập nhật, triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ số; tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP ở mức 6-6,5% trong giai đoạn 2022 - 2024. 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hơn 3 năm qua, mô hình vườn ươm cho các ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ non trẻ, sản phẩm công nghệ mới ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Đó là sự tham gia và cộng hưởng của 3 thành phần: Nhà nước, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp công nghệ. Mô hình này cho thấy sự ưu việt và tính hiệu quả khi mỗi bên đều phát huy được sức mạnh của mình và góp phần mang lại giá trị chung. Nhà nước ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, đưa ra các bài toán quy mô quốc gia, đầu tư cho nghiên cứu dài hạn; tập đoàn lớn có sức mạnh về tài chính, thị trường và các yêu cầu khắt khe của hệ thống lớn; doanh nghiệp công nghệ có ý tưởng, sự sáng tạo và nhanh nhạy… “Sự cộng hưởng này sẽ góp phần thúc đẩy sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025. Sự cộng hưởng này cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam vì sẽ có những giải pháp có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Sự cộng hưởng này còn góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam. Doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136,153 tỷ USD (năm 2020 là 124,678 tỷ USD). Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam là 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT. Trong năm 2022, Bộ TT-TT đặt mục tiêu đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 70.000 doanh nghiệp; tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đạt 148,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT là 9,2%; tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 3 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục