Tạo động lực thúc đẩy văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I sẽ được tổ chức thành chuỗi hoạt động theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ ngày 19-4 với các hoạt động: giới thiệu các câu lạc bộ về sách, các mô hình tủ sách; hướng dẫn các kỹ năng đọc sách; tổ chức các cuộc thi: Đại sứ văn hóa đọc, kể chuyện và làm theo sách, tuyên truyền quảng bá sách... Hoạt động nhằm lan tỏa mạnh mẽ phong trào đọc sách, góp phần thổi bùng ngọn lửa tri thức.
Khách tham quan Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Khách tham quan Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đưa sách đến gần hơn với độc giả

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT-TT, cho biết, hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I có sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng ngàn đầu sách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM. Hội sách được xây dựng thành ba không gian lớn: Không gian chuyển đổi số, không gian thành phố sách và không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Đáng chú ý, các buổi tọa đàm chuyên sâu về xu hướng xuất bản, phát hành sẽ được thực hiện.

Song song với việc tổ chức trực tiếp, hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I cũng diễn ra trên website book365.vn. Ban tổ chức cho hay, sẽ tiếp tục cải tiến về giao diện cũng như kỹ thuật công nghệ nhằm kêu gọi các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành trong và ngoài nước tham gia. Điều này không những tạo không gian thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiều hoạt động giao dịch bản quyền, hợp tác xuất bản trực tuyến, mà còn có thể thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước để hướng tới mục tiêu đạt được 10 triệu lượt truy cập trong thời gian diễn ra hội sách, tăng hiệu quả kinh tế cho các đơn vị tham gia.
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, nhiều chương trình trợ giá, bán sách ưu đãi cùng 20.000-30.000 đơn sách được giao miễn phí… sẽ được triển khai.

“Theo thống kê, có tới 40.000 xuất bản phẩm được bán ra trong những ngày hội sách trực tuyến trước đó, và 60% trong số đó là các đơn hàng đặt mua ở các tỉnh, không phải ở Hà Nội và TPHCM”, ông Nguyễn Nguyên thông tin. Do vậy, việc duy trì hội sách trực tuyến song song với hội sách trực tiếp là một giải pháp hiệu quả nhằm đưa nhiều sách hay, giá ưu đãi tới bạn đọc vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Chia sẻ về những lo ngại hiện tượng “xả” kho sách cũ, sách tồn nhiều năm không bán được từ những năm trước, ông Nguyễn Nguyên khẳng định: “Với sách thì cũ không có nghĩa là giảm giá trị, tuy nhiên với mong muốn đem đến ngày sách không khí của thị trường sách hiện tại, ban tổ chức khuyến cáo các đơn vị, NXB ưu tiên lựa chọn đem đến hội sách những tác phẩm tốt, đầu sách best seller và sách mới xuất bản 3-5 năm trở lại…”. 

Khích lệ thói quen đọc sách

Khẳng định sách chỉ “sống” được khi văn hóa đọc phát triển mạnh, bà Đoàn Quỳnh Dung, Vụ phó Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL, cũng cho rằng những hoạt động giới thiệu, giao lưu, tọa đàm… trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ tạo ra sự gắn kết các thành tố tác giả - tác phẩm - người đọc, giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng. Việc chuyển từ Ngày Sách sang Ngày Sách và Văn hóa đọc là động lực cho việc khuyến đọc, khơi nguồn cho các hoạt động về sách.

Theo lãnh đạo Vụ Thư viện, để thúc đẩy việc đọc sách, hệ thống thư viện ở các tỉnh, thành khắp cả nước cũng đã thay đổi cách thức hoạt động. Thư viện hiện nay không chỉ là nơi giữ sách, mà còn chủ động đưa sách đến người đọc thông qua các mô hình: Luân chuyển sách, tặng sách, xe thư viện thông tin lưu động. Mục tiêu trọng tâm là thay đổi cách thức phục vụ, chuyển từ tĩnh sang động, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy phát triển văn hóa đọc làm mục tiêu, qua đó từng bước xây dựng và hình thành thói quen đọc sách đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều hoạt động khuyến đọc cũng được triển khai trong suốt thời gian qua, như tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam; phối hợp thực hiện các buổi giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách…

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I và công bố quyết định của Thủ tướng về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 19-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc khích lệ, lan tỏa văn hóa đọc, ông Nguyễn Nguyên nêu rõ, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng với mỗi quốc gia. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, việc đọc sách đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế, văn hóa. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao. Ước tính sơ bộ chỉ có 21% người dân đọc sách thường xuyên (khoảng 2 cuốn sách/năm). 

Dịp này, Bộ TT-TT sẽ cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động, như phát động tháng và tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, các cuộc thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách…; xây dựng không gian sách như đường sách, phố sách, thư viện sách tại các nhà văn hóa khu dân cư nhằm quảng bá, tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc... 

Tin cùng chuyên mục