Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý

Ngày 11-1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập của nền tư pháp nước ta: Chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thực tiễn tổ chức và hoạt động của tòa án còn những tồn tại cần được tháo gỡ như: mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm; mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế; một bộ phận nhỏ cán bộ của tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ cũng như phẩm chất…

Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ nhằm thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp cũng chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của tòa án.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tòa án nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, định hướng cải cách tư pháp. Cùng với đó, đề xuất những giải pháp cải cách mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân; phân định rõ quyền quản lý hành chính của tòa án để bảo đảm quyền độc lập giữa các cấp tòa án; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; tăng quyền của tòa án trong xét xử các vụ án xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước.

Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng chiến lược cải cách tư pháp mới, báo cáo Ban Chỉ đạo đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến, quyết định trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục