Tạo đà cất cánh cho miền Trung

Là doanh nghiệp được TP Đà Nẵng lựa chọn làm tư vấn Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với “đề bài” do Đà Nẵng đặt ra, Liên danh Sakae Holdings - Subanna Jurong (Singapore) đã tư vấn hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế quốc tế và tiềm năng vốn có của Đà Nẵng. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Tuấn Anh, Giám đốc Liên danh Sakae Holdings - Subanna Jurong (Singapore), về vấn đề này.
Bà Võ Thị Tuấn Anh, Giám đốc Liên danh Sakae Holdings - Subanna Jurong (Singapore)
Phóng viên: Thưa bà, điều chỉnh quy hoạch chung có ý nghĩa như thế nào đối với tầm nhìn phát triển của TP Đà Nẵng?

Bà VÕ THỊ TUẤN ANH: Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch và dựa vào quy hoạch. Vì vậy, quy hoạch chung cho một thành phố mang tính định hướng phát triển một cách bài bản, khoa học và lâu dài, nhất là tạo nên một môi trường công khai, minh bạch và đầy đủ thông tin mà các nhà đầu tư dễ tiếp cận một cách tổng thể. Trước khi vào Đà Nẵng, các nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào quy hoạch chung sẽ nắm được đầy đủ từ quy hoạch của từng khu trong tương lai đến cơ chế chính sách ở đây là gì. Nó vừa tiết kiệm thời gian cho chính quyền và nhà đầu tư, vừa tạo được tính khách quan, minh bạch. Khi có quy hoạch chung rồi, chỉ cần một cú click chuột, nhà đầu tư sẽ nắm đầy đủ thông tin để sớm đưa ra quyết định có đầu tư hay không? Đầu tư vào lĩnh vực gì?

Khi làm quy hoạch chung, chúng tôi kết nối TP Đà Nẵng với hệ thống Smart City của ASEAN với mong muốn đưa Đà Nẵng tham gia vào Thành phố thông minh của ASEAN.

Singapore chỉ là một hòn đảo nhỏ và khẳng định vị thế với thế giới nhờ sự minh bạch trong cơ chế, sự rõ ràng trong các điều khoản khi các nhà đầu tư tiếp xúc và nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đấy là những thứ mà Đà Nẵng có và đã làm được. Tư vấn đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng, không phải chỉ làm xong một đồ án đẹp rồi bàn giao mà chúng tôi cam kết đồng hành trong 10 năm để hiện thực hóa đồ án đó. Chúng tôi sẽ trực tiếp đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm và kiểu mẫu để từ đó cùng Đà Nẵng biến đồ án trên giấy ra thực địa.

Trong định hướng phát triển, cần làm gì để tạo nên động lực phát triển KT-XH không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cả khu vực miền Trung - vùng kinh tế vệ tinh cho TPHCM - trung tâm kinh tế của đất nước?

Mỗi tỉnh thành trong vùng kinh tế có những tiềm năng, thế mạnh khác nhau. Chúng tôi chọn Đà Nẵng làm quy hoạch chung đầu tiên, sau đó kết nối với các tỉnh thành khác để quy hoạch thành một chuỗi liên kết mang tính hệ thống, để mỗi tỉnh phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của mình, tạo thành một vùng kinh tế miền Trung phát triển mạnh và bền vững. Khi có bức tranh tổng thể rồi, mỗi địa phương phát huy thế mạnh riêng có và liên kết với các địa phương khác để thu hút đầu tư, hỗ trợ để cùng nhau phát triển.

Đà Nẵng là “anh cả” của miền Trung, địa phương đi tiên phong trong quy hoạch tổng thể sẽ tạo tiền đề cho các địa phương khác phát triển. Điều mà đơn vị tư vấn cảm thấy hạnh phúc nhất là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói rằng Đà Nẵng có một quy hoạch chung bài bản nhất, chi tiết nhất, nhiều bản vẽ nhất và đẹp nhất từ trước đến giờ và cần nhân rộng cho các tỉnh thành khác. Được coi như hạt nhân, Đà Nẵng cần sự chuẩn bị để đón những luồng gió mới từ những nhà đầu tư để tiếp tục lan rộng ra khu vực.

Tạo đà cất cánh cho miền Trung ảnh 2 Dây chuyền sản xuất linh kiện máy bằng kim loại của Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Đà Nẵng chọn mũi nhọn nào để phát triển nhanh, mạnh và bền vững?

Đà Nẵng đã định hướng chiến lược phát triển và đã được Bộ Chính trị đưa ra trong Nghị quyết 43-NQ/TW tập trung vào các mũi nhọn sau:

Thứ nhất là Du lịch. Điều này ai cũng biết rất rõ những tiềm năng du lịch của Đà Nẵng. Đà Nẵng là nơi hiếm có, với các yếu tố thiên nhiên, kinh tế, xã hội đa dạng và ưu đãi cho du lịch như vậy. Hiện chúng ta đang làm nhưng vẫn cần tập trung vào lĩnh vực công nghiệp không khói này để nâng cao công suất và chất lượng hơn nữa.

Thứ hai là Công nghiệp công nghệ cao. Điểm hạn chế của Đà Nẵng là không có quỹ đất rộng để phát triển công nghiệp nặng nhưng ngược lại, có rất nhiều lợi thế để tập trung vào công nghệ cao như con người có trình độ và ngoại ngữ cao, địa chính trị, kết nối giao thông quốc tế cả đường bộ, đường không và đường biển. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tuy nhỏ nhưng làm rất tốt như Singapore, Đài Loan, Thụy Sĩ, Israel…

Thứ ba là Nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây việc nuôi trồng đều được làm một cách công nghiệp 4.0, tập trung phục vụ nhu cầu của Đà Nẵng và xuất khẩu. Hiện nay, Singapore không có nhiều đất cho nông nghiệp nhưng họ rất phát triển các hình thức công nghiệp hóa ngành nông nghiệp và sản xuất các loại rau củ quả chất lượng và năng suất rất cao trong môi trường hoàn toàn trong nhà, được kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường.

Thứ tư là Trung tâm tài chính, tại Đà Nẵng mà không phải nơi khác. Đà Nẵng hội đủ các điều kiện cần và đủ để xây dựng một trung tâm tài chính như vị trí thuận lợi, phạm vi thành phố nhỏ gọn dễ áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù riêng, nền tảng con người, hạ tầng đô thị… Hầu hết các trung tâm tài chính trên thế giới đều dựa trên nền tảng là thành phố cảng như Hồng Công, Singapore. Đặc biệt là một quốc đảo nhỏ như Singapore, mới tách ra độc lập nhưng đã vươn lên thành nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Nguồn thu từ các hoạt động tài chính của Singapore đem về cho họ mỗi năm khoảng 30 tỷ USD. Đà Nẵng nằm giữa, hãy xem như cái “dạ dày” của đất nước. Bụng no, cơ thể mới phát triển mạnh.

Để phát triển công nghệ cao và trung tâm tài chính, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ nhiều cấp để đáp ứng yêu cầu như con người, hạ tầng kỹ thuật. Ví dụ như nguồn điện phải liên tục và ổn định như hệ thống tích điện ngầm nằm dưới trung tâm thương mại Marina Bay Sand ở Singapore, để đảm bảo mỗi năm chỉ mất điện vài giây và được báo trước, giúp hệ thống tài chính và công nghiệp công nghệ cao không bị gián đoạn lại giảm chi phí quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư. Ở những lĩnh vực này hay nhiều lĩnh vực khác, các nhà đầu tư lớn ở Singapore và đối tác trên thế giới sẵn sàng đầu tư vào Đà Nẵng.

Để tập trung vào các mũi nhọn trên, Đà Nẵng cũng cần hoàn thiện lĩnh vực logistics  như nâng cấp cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu và các tuyến giao thông cao tốc cả đường bộ và đường sắt. Và tất nhiên là để phát triển các mũi nhọn trên, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Chúng tôi cũng tham gia đồng hành Đà Nẵng để phát triển nguồn nhân lực với các chương trình liên quan đến Smart city, gồm nhiều mảng như Du lịch thông minh, Giao thông thông minh, Y tế thông minh... mà ông Douglas Foo, Chủ tịch Sakae Holdings, đã cùng Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) xây dựng chương trình cho Đà Nẵng, tiếc là năm 2020 chưa triển khai được theo kế hoạch do Covid-19.

Nông thôn nằm trong đô thị, là sự khác biệt lớn giữa Đà Nẵng và Singapore. Vậy đơn vị tư vấn có giải pháp gì về vùng nông thôn ở Đà Nẵng?

Như trên tôi có đề cập về mũi nhọn nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và nhận thấy đây là tiềm năng lớn của Đà Nẵng về nông nghiệp sạch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm tại Hòa Vang. Đà Nẵng hơn Singapore ở chỗ có biển, có đô thị, có nông thôn, có rừng... nên có hấp lực đối với du khách và giới đầu tư.

Tin cùng chuyên mục