Tăng trưởng xanh để giảm khí nhà kính

Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) là một trong những hành động rất có ý nghĩa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng, kết hợp với ưu tiên phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo là những giải pháp có ý nghĩa đặc biệt để giảm phát thải KNK, thực hiện tăng trưởng xanh…
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TPHCM có lượng phát thải KNK lớn nhất cả nước. Trong những lĩnh vực phát thải KNK chiếm tỷ lệ cao, có các hoạt động sử dụng năng lượng tại các tòa nhà dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; phát tán từ dầu và khí thiên nhiên… chiếm đến 46% tổng lượng phát thải KNK của thành phố. Để hạn chế tình trạng phát thải trong các hoạt động sử dụng năng lượng, UBND TPHCM đã giao Sở Khoa học và Công nghệ TP triển khai các biện pháp nhằm giảm phát thải KNK. Trong các nội dung triển khai hành động giảm nhẹ KNK, lĩnh vực được thành phố quan tâm đầu tiên, đó là dự án lắp đặt điện năng lượng Mặt trời (20kW) trên mái nhà của các công trình công cộng và ở hộ dân cư. Nhằm phát triển năng lượng tái tạo, TPHCM cũng có chương trình thí điểm hỗ trợ cơ chế đầu tư điện Mặt trời cho các hộ gia đình và công trình công cộng. Điện năng tạo ra từ nguồn năng lượng này sẽ dần thay thế điện năng từ lưới điện và đặc biệt khi nguồn điện từ năng lượng Mặt trời sẽ không phát thải khí CO2, thân thiện với môi trường. 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, với những lợi ích từ điện Mặt trời mang lại, đây sẽ mô hình lý tưởng để phát triển trong tương lai. Qua khảo sát cũng cho thấy, nhiều hộ dân đã rất quan tâm tới mô hình này. Nhiều người dân cho biết, sau thời gian sử dụng hệ thống điện từ năng lượng Mặt trời do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, tính ra mỗi tháng gia đình tiết kiệm được từ 800.000 - 900.000 đồng tiền điện và quan trọng hơn là nguồn điện rất ổn định, không lo bị cắt hay cúp để sửa điện theo kế hoạch của ngành điện.  Năng lượng thu về từ các tấm pin điện Mặt trời không chỉ đủ cho gia đình sử dụng mà còn dư một phần để nối lưới, góp phần chung tay vào việc bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH hiện nay. Tuy nhiên, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, để có thể nhân rộng và mô hình này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng cư dân cũng như Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ ngành để nhân rộng mô hình. Hiện Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng điện Mặt trời và khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt pin năng lượng Mặt trời trên mái nhà. Hy vọng, thời gian tới, bước đi tiên phong của TPHCM cùng những chính sách mới của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; sự tham gia tích cực của EVN và các bộ ngành, nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển mạnh.
 
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết trong thời gian qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng, giảm thiểu tác động của tình trạng BĐKH; đồng thời, từng bước kiểm soát được KNK, như kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được phê duyệt và thực hiện hàng năm; kế hoạch tăng trưởng xanh với những giải pháp và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Sở Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị UBND TPHCM cho chủ trương thực hiện kiểm kê KNK định kỳ 2 năm/lần vào những năm chẵn và đã được chấp thuận. Sở này cũng đang kiến nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục