Tăng trưởng nhưng… lo!

Thật khó để xác định đâu là con số tăng trưởng thật sự của ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2017, bởi mỗi nơi cho ra những con số khác nhau. 
Bộ Công thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 6 tháng đầu năm nay đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016; còn thống kê từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), con số này chỉ đạt 13,98 tỷ USD, tăng 9%.
Cũng theo Bộ Công thương, nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi, thì xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 11,84 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành dệt may cũng nhập khẩu một lượng nguyên phụ liệu phục vụ hàng xuất khẩu lên đến 9,4 tỷ USD.
Tính ra, giá trị chênh lệch ngành dệt may được hưởng (chưa trừ các loại phí…) chỉ hơn 2,4 tỷ USD. Tất nhiên, để tính được lợi nhuận chính xác phải chờ đến cuối năm 2017, tuy nhiên, điểm qua các báo cáo tài chính của những tập đoàn dệt may lớn của quốc gia, chúng ta vẫn thấy… lo.
Một tên tuổi lớn của ngành là Công ty may V., doanh thu 6 tháng năm 2017 đạt 3.758 tỷ đồng, tăng trưởng 7%, nhưng lãi sau thuế chỉ còn 175 tỷ (tăng trưởng chỉ 1,7%). Một tập đoàn đầu ngành khác, doanh thu trong quý 1-2017 đạt hơn 3.898,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) tăng đáng kể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn chỉ đạt 126,3 tỷ đồng, giảm 11,62% so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2016 đến nay, mặc dù vẫn chiếm vị trí thứ hai về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng những tồn tại trong ngành vẫn chưa có bước cải thiện đáng kể. 
Điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam vẫn là lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 2 năm qua, chúng ta đã có khá nhiều nhà máy sợi hiện đại ra đời, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, trong từng chiếc áo, quần thành phẩm xuất đi chỉ có sức lao động của người công nhân Việt được tính là nội địa, còn nút áo, sợi chỉ và cả vải thành phẩm đều phải nhập từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. 
Trao đổi với báo chí gần đây, Vitas khẳng định các đơn hàng trong ngành vẫn dồi dào, tình hình khả quan hơn năm 2016, và có khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, người viết nhận được thông tin: Từ tháng 8 này, lại tiếp tục có nhiều đơn đặt hàng rời khỏi Việt Nam, đáng buồn là có những thương hiệu toàn cầu rất lớn. Nhưng rời đi đâu?
Một số thương hiệu thời trang lớn chuyển sang gia công tại Trung Quốc; một số hãng khác chuyển dần đơn hàng cho thị trường Campuchia, Bangladesh…  Trong khi đơn hàng ở các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu giảm sút, may thay ngành dệt may vẫn tăng trưởng được với các đơn hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là đang có thêm nhiều đơn đặt hàng xuất đi Nga và các nước Đông Âu.
6 tháng qua, xuất khẩu dệt may vào Hàn Quốc tăng mạnh nhất với 16,2%, sang Nhật Bản tăng 10,7%. Tuy nhiên, ngay chính các DN may cũng thừa nhận, đơn hàng xuất đi Hàn Quốc hầu hết đều do các DN Hàn Quốc tại Việt Nam trúng thầu, DN Việt rất khó lấy được những đơn hàng này. 
2 năm qua, trong khi chúng ta vui mừng chuẩn bị cho TPP, thì 4 quốc gia lớn về xuất khẩu dệt may - cũng là đối thủ cạnh tranh lớn của dệt may Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia đã kịp triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn trước sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam.
Một là, họ phá giá đồng tiền ở mức lớn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn thuế VAT…, dẫn đến hàng dệt may của ta trở nên đắt đỏ hơn. Hai là, với sự trợ giúp nguồn vốn vay từ chính phủ, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã đầu tư công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín để giảm chi phí, do vậy, không ít đơn hàng cao cấp đã chuyển trở lại thị trường này. Việc TPP bị gác lại cũng đồng nghĩa lợi thế hàng Việt xuất khẩu không được ưu đãi thuế quan, đã khiến dệt may Việt Nam không còn hấp dẫn. 
Tại cuộc gặp Thủ tướng mới đây, ngành dệt may cũng nêu nhiều nỗi lo, đó là lộ trình tăng lương tối thiểu hàng năm (năm 2016 tăng trên 12%), các chi phí khác còn cao, lợi thế lao động giá rẻ không còn, năng suất lao động thấp; vẫn còn những thủ tục hành chính gây khó cho DN…
Nhận định của Vitas cũng thừa nhận, khó khăn còn nằm trong nội tại từng DN, đó là nhiều DN chưa chuẩn bị để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định FTA khác ngoài TPP, thiếu sự bắt tay liên kết để giao nhận các đơn hàng lớn trong thời gian ngắn…  Và đặc biệt, ngành dệt may không còn được ưu đãi đầu tư trong quy hoạch của nhiều tỉnh, thành… 
Tất nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về giá trị gia tăng thật sự mà ngành dệt may mang lại trong tổng quan nền kinh tế, nhưng trong bối cảnh nguồn lao động phổ thông, lao động giản đơn còn rất nhiều ở Việt Nam, chuyện ưu tiên phát triển cho ngành nghề giải quyết nhiều lao động dư thừa cho quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, vẫn là chuyện cần làm trước, trước khi chúng ta mơ về một nền công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục