Tăng trưởng kinh tế đối mặt nhiều thách thức

Trong nhiều hội nghị, hội thảo về kinh tế vĩ mô những ngày vừa qua, mức tăng trưởng GDP quý 2 đạt tới 7,72% - mức cao nhất tính trong quý 2 của 10 năm qua (2011-2021) - nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia kinh tế. 

Thực tế, quý 1 tăng trưởng 5,03%, nằm trong khoảng dự báo, còn tăng trưởng GDP quý 2 thì vượt khung, thậm chí cao hơn tới 1,82 điểm phần trăm so với ngưỡng cao của kịch bản. Tính chung 6 tháng, GDP cao hơn 0,72 điểm phần trăm. 

Mức tăng nói trên phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý 2. Yếu tố hết sức quan trọng là quyết định mở cửa từ ngày 15-3, gỡ bỏ những hạn chế do phòng chống dịch Covid-19; cộng hưởng với tác động tích cực nhờ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu “ngấm” dần vào cuộc sống. Mức tăng trưởng bứt phá trong quý 2 đã kéo tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm lên 6,42%, chưa phải mức rất cao, nhưng nếu nền kinh tế vận động đúng quy luật lâu nay (là tăng trưởng cao dần lên trong những tháng cuối, quý cuối năm) thì không hoàn toàn không có cơ sở khi có ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đến 7% hoặc hơn. 

Mặc dù khu vực công nghiệp, đặc biệt là chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, nhưng sự phục hồi của khu vực dịch vụ mới thực sự ngoạn mục. Quý 2, mức tăng của khu vực dịch vụ là 8,56%, đóng góp tới 48,59% vào mức tăng trưởng chung. Điều này cho thấy, những giải pháp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng đang đi đúng hướng và nên xoáy sâu hơn nữa vào lĩnh vực dịch vụ, vốn có độ đàn hồi rất tốt.

Tuy nhiên, cũng không thể quên rằng, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, cộng với làn sóng biến thể mới của dịch Covid-19. Tại thời điểm tháng 6, các định chế tài chính quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống quanh mức 3%, giảm 0,9-1,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm. Đơn cử, Liên hiệp quốc dự báo, nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 1. 

Chính vì thế, mức tăng trưởng hiện nay, tuy khả quan, nhưng là trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, chưa thể đảm bảo đà phục hồi và tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn. 

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước dù đang được kiềm chế ở mức 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI trong nước tăng 0,36 điểm phần trăm. Việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7 cũng sẽ có tác động làm tăng CPI. Cũng cần nói thêm rằng, kinh tế trong nước phục hồi cộng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ tác động rõ rệt hơn trong 6 tháng cuối năm cũng làm cầu tiêu dùng gia tăng, “đẩy” giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát không quá 4% như Quốc hội đã quyết định là một thách thức không nhỏ.

Chính vì thế, cần chuẩn bị sẵn sàng cả những kịch bản thấp; chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Về tài chính, cần tích cực cải thiện nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tạo dư địa cho chính sách tài khóa. Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.  

Tin cùng chuyên mục