Tăng tốc xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ

Ngày 18-11, hơn 350 doanh nghiệp xuất khẩu đã tham dự Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước”. Diễn đàn do Bộ Công thương phối hợp với UBND TPHCM và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ (USABC) tổ chức.  
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: thanhuytphcm.vn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Kim ngạch thương mại song phương tăng 17,7%

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 18% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực năm 2001, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng bình quân 12%-16%/năm. Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương của doanh nghiệp (DN) thành phố và Hoa Kỳ đã đạt 8,4 tỷ USD. 

Ở phạm vi cả nước, từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 65,1 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 54,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD. Về dòng vốn đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD. 

Nhìn nhận về tiềm năng mở rộng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhiều DN khẳng định vẫn còn rất lớn. Hiện Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nhưng thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Chi tiêu dùng tăng từ mức âm 6,9% quý 1 lên mức 33,2% vào quý 3. Dự kiến, đà tăng trưởng dương sẽ được duy trì từ nay đến hết năm 2021. Điều này sẽ tạo thuận lợi để DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. 

Tại diễn đàn, các DN hai nước đã tập trung thảo luận, nhận định tình hình quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời nhận diện cơ hội và triển vọng hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh xung đột thương mại thế giới, dịch Covid-19, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Cuối cùng là khuyến nghị giải pháp và định hướng để DN có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen.

4 nhóm ngành hàng tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Cũng theo Bộ Công thương, 4 nhóm ngành hàng được xác định sẽ gia tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới là nhóm ngành hàng rau quả, thực phẩm; máy móc, thiết bị; hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng. 

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, các DN Việt cũng sẽ vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại. Do vậy, DN Việt phải chủ động chuyển đổi sản xuất, đổi mới kênh phân phối, tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, để tránh trở thành mục tiêu áp dụng biện pháp phòng hộ thương mại của Hoa Kỳ, nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, các DN phải hoàn thiện bộ phận tư pháp đủ mạnh, nghiên cứu đầy đủ quy định pháp luật Hoa Kỳ. 

Ở chiều ngược lại, DN kỳ vọng Chính phủ và cộng đồng DN hai nước phối hợp cùng nhau để tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn. 

Được biết, hiện hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng Hoa Kỳ nghiên cứu, khuyến khích các DN thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.

Riêng về phía TPHCM, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đang triển khai 3 đề án lớn, bao gồm: Đô thị thông minh, Khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông và Trung tâm Tài chính quốc tế. Do vậy, thành phố mong muốn mời gọi DN Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác, đầu tư triển khai đề án trên. Bên cạnh đó, thành phố cũng mời gọi DN Hoa Kỳ tham gia  hiện thực hóa tầm nhìn, đưa thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.

Tin cùng chuyên mục