Tăng tốc “về đích”

Tuần cuối cùng của quý 3, nhiều chỉ dấu cho thấy TPHCM đang đẩy mạnh hành động thực thi, đi kèm với hiệu quả tháo gỡ một phần vướng mắc về thủ tục, xác lập cụ thể quy trình, lộ trình “những việc cần làm ngay”, nhất là về dân sinh, an sinh. 

Cùng với đó là ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (Chỉ số DDCI 2022) để lượng hóa các đầu việc, trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận công vụ, không để lặp lại những điểm nghẽn cũ; đón đầu các phát sinh tạo ra điểm nghẽn mới để nhanh chóng có biện pháp xử lý.

Một trong số đó là tờ trình của UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn, có tổng mức hơn 1.500 tỷ đồng - một quyết sách mang lại phần nào sự yên lòng cho phụ huynh. Cũng như trước đó, thành phố duy trì xuyên suốt quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để chia sẻ một phần áp lực lạm phát đang đè lên sức tiêu dùng thường “tăng cao giảm chậm” trên địa bàn. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng - giao thông trọng điểm đã được khởi động các dự án thành phần với dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TPHCM và hơn 10 dự án tái khởi động sau thời gian dài ách tắc.

Điều đáng nói, nguyên nhân của vướng mắc vốn được nhận diện từ lâu, các biện pháp tháo gỡ cũng đã được đề ra khá cụ thể. Song, để tháo cho ra, gỡ cho thông phải đến tận bây giờ, lý do cơ bản nhất: công tác giải phóng mặt bằng mới được giải quyết triệt để. Hy vọng, cùng với sự điều tiết thị trường giá vật liệu xây dựng, cuộc rà soát tổng thể năng lực các “nhà thầu” kinh tế, xu hướng phục hồi, phát triển khả quan sau dịch Covid-19, nhất là quan điểm kiến nghị Luật Đất đai sắp tới để chính sách bồi thường sát với thị trường, sẽ là lời giải cụ thể cho bài toán giải ngân đầu tư công đang ì ạch, từ đó góp phần chủ lực giải phóng nội lực nền kinh tế quốc gia.  

Bên cạnh tính thực thi hành động được đẩy mạnh, có thể ghi nhận một biểu hiện của khả năng tự chủ về công nghệ, tỷ lệ nội địa trong sản phẩm khá cao trong ngành sản xuất cao su và sản phẩm nhựa (với mức tăng lần lượt là 157,4% và 89,9% so với cùng kỳ năm trước). Điều này mang lại giá trị gia tăng cao do xuất xưởng ra quốc tế chủ yếu là thành phẩm tiêu dùng, dẫn tới sự cân đối thị trường tiêu thụ nội địa với quốc tế.  

Đặt trong mức tăng trưởng lập đỉnh của một số ngành như sản xuất đồ uống, linh kiện điện tử, dệt với năng lực tự chủ công nghệ như đã nói, việc định hình dần một số khu vực tiềm năng sẽ là kinh tế động lực và tự chủ của thành phố. Đây chính là một trong những phép giải cho bài toán “mùa đông kinh tế 2023” nhiều thách thức phía trước. 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine có dấu hiệu tăng nhiệt, mở rộng thành những cực xung đột của thế giới, tác động sâu hơn vào các chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, tập đoàn đầu tư tài chính quốc tế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn và mức độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Với những tác động nhất định từ Trung Quốc, thị trường nguyên liệu và tiêu thụ nhiều ngành hàng chủ lực của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Do vậy, kinh tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, đã tìm mọi cách “lách qua khe cửa hẹp” bằng khả năng chống chịu và tự lực cánh sinh trong nguồn nguyên liệu thay thế, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên mọi mặt, từng bước làm chủ công nghệ để hoàn tất thành phẩm tiêu dùng, mang lại giá trị gia tăng cao cho từng ngành, mặt hàng. 

Những giải pháp nói trên, nếu đạt được hiệu quả từng thành phần đến toàn phần sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát đã và đang tồn tại trong 9 tháng qua. Những nghịch lý như chi phí giao thông, giá lương thực vẫn tăng trong khi giá xăng dầu đã giảm và bình ổn cần được tháo gỡ. Lúc này, “bàn tay hữu hình” của nhà nước cần can thiệp mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau để lấy lại đà tăng trưởng ở khối dịch vụ, thương mại, tiêu dùng vốn là ưu thế của quý cuối năm, bước vào mùa lễ tết.

Tin cùng chuyên mục