Cơ chế đặc thù - Động lực thúc đẩy TPHCM phát triển

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Nghị quyết 54 tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với TPHCM nên càng đòi hỏi cán bộ, công chức phải năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 
Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: CAO THĂNG
Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: CAO THĂNG
LTS: Thành ủy TPHCM đã xác định thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 54) là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Cả hệ thống chính trị của TPHCM đang khẩn trương tập trung triển khai nghị quyết mang ý nghĩa quan trọng này. Trong đó, UBND TPHCM đã xác định 21 nội dung, đề án cụ thể gồm 2 lĩnh vực chính: tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền, dự án, quản lý đất đai và lĩnh vực tài chính, ngân sách. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong 3 năm việc triển khai thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù - một công cụ được Trung ương trao - để thúc đẩy TPHCM phát triển đạt hiệu quả cao nhất? 

Từ số báo này, với loạt bài “Cơ chế đặc thù - Động lực thúc đẩy TPHCM phát triển”, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu ý kiến tâm huyết của các chuyên gia hiến kế cho TPHCM từ cách thức, phương pháp, nguyên tắc đến giải pháp… nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 đạt hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. 

Sau loạt bài này, Báo SGGP sẽ tiếp tục mở chuyên mục “Cơ chế đặc thù - Động lực thúc đẩy TPHCM phát triển”, tổ chức định kỳ trên trang 3 vào thứ năm hàng tuần, kể từ ngày 22-3-2018.
“Nghị quyết 54 tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với TPHCM nên càng đòi hỏi cán bộ, công chức phải năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Điều này góp phần đảm bảo việc TPHCM tổ chức triển khai đạt hiệu quả Nghị quyết 54, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương, của cả nước”, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã chia sẻ như trên với phóng viên Báo SGGP.
Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ảnh 1 Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức phản biện đề án tăng phí đậu ô tô dưới lòng đường - một đề án cụ thể hóa Nghị quyết 54. Ảnh: KIỀU PHONG
Nhìn việc - chọn người phù hợp- PHÓNG VIÊN:Nghị quyết 54 đã có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đối với TPHCM. Đi đôi với sự phân quyền là tính tự chịu trách nhiệm nên TPHCM cần phải lưu ý những điểm quan trọng nào, thưa ông?>> TS TRẦN DU LỊCH: Nghị quyết 54 có 4 nhóm nội dung, trong đó có nhóm nội dung về phân cấp, đầu tư và những vấn đề về quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có diện tích từ 10ha trở lên, dự án nhóm A… Trước đây, những vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng với Nghị quyết 54 thẩm quyền này được giao lại cho HĐND TPHCM.  Rõ ràng, quy trình phân quyền như thế đã khác trước. Tuy nhiên, để ra quyết định đầu tư, thực hiện dự án vẫn phải tuân theo Luật Đầu tư công và phải trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư. Tương tự, Nghị quyết 54 trao cho HĐND TPHCM thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên. Nghĩa là trước đây Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển đổi thì nay HĐND TP sẽ quyết định. Tuy thẩm quyền quyết định được phân cấp nhưng với nội dung này TPHCM vẫn phải thực hiện theo quy trình của Luật Đất đai. Điều này có nghĩa TPHCM sẽ tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Do vậy, TPHCM phải xây dựng các đề án với quy trình triển khai chặt chẽ từng nội dung (thông qua những bước nào, cơ quan nào, việc thẩm định, xét duyệt như thế nào…). Đặc biệt, khi trình HĐND TP phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thảo luận và quyết định. Nói tóm lại, đây là những việc mang tính phân quyền, nâng cao trách nhiệm của TPHCM, nên để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả và khả thi, TPHCM phải nâng trách nhiệm của từng bộ phận và chuẩn bị các đề án rất kỹ, tuân thủ theo những quy trình, quy định hiện hành.- Yêu cầu về bộ máy, con người sẽ được đặt ra như thế nào để đảm bảo việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đạt hiệu quả cao, thưa ông?
Bất cứ cơ chế, chính sách nào cũng phải thực hiện thông qua con người. Con người thực thi, triển khai vào thực tiễn cuộc sống các quy định, chính sách. Có nhiều lúc không phải cơ chế, chính sách sai mà do công tác bố trí con người sai, nên kết quả không đạt như mong đợi. Thực tế, nhiều mô hình rất tốt nhưng bố trí con người thực thi không tốt. Cuối cùng không đi đến đâu nhưng lại ngộ nhận rằng mô hình sai. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Theo tôi đánh giá, những nội dung của Nghị quyết 54 là bước đầu thí điểm một số cơ chế, chính sách nhẹ nhàng, chứ chưa thật sự mạnh mẽ theo cơ chế phân cấp, phân quyền của một chính quyền đô thị như trước đây TPHCM từng nghiên cứu. Tuy nhiên, tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết 54 là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với TPHCM. Do đó, để thực hiện Nghị quyết 54 đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả cao, yêu cầu về bộ máy, con người phải đáp ứng. Vì vậy, cán bộ, công chức phải thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, nâng cao tính sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi lãnh đạo TPHCM phải nhìn việc và đặt người phù hợp; nếu không, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 sẽ không đồng bộ và hiệu quả.
TS TRẦN DU LỊCH:
 "Việc thực hiện Nghị quyết 54 có vai trò rất lớn của HĐND TPHCM, bởi Nghị quyết 54 trao cho HĐND TP quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Kế đến, sau khi quyết xong, HĐND TP phải giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Đây là một thách thức của cơ quan dân cử địa phương. Do vậy, theo tôi, các ban chuyên trách của HĐND TP phải nâng vai trò, vào cuộc quyết liệt từ khi thẩm định đến khi thảo luận thông qua và sau đó là bước triển khai thực hiện"
Đánh giá cả tác động bất lợi
- Nghị quyết 54 cho phép TPHCM tăng thuế suất, tăng phí, lệ phí và thực hiện các loại thuế, phí ngoài danh mục. Đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy theo ông, những nguyên tắc cần đảm bảo khi thực hiện nội dung này là gì?
Trung ương cho chủ trương TPHCM tăng thuế suất đối với một số loại thuế. Vấn đề quan trọng nhất là chọn thuế nào hay TPHCM sẽ đặt ra phí gì ngoài danh mục? Theo quy định có nhiều loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá, ô tô, khách sạn, nhà hàng, vũ trường, sân golf… đang có ở TPHCM. Vấn đề là TPHCM chọn loại hàng hóa nào để nâng thuế suất nhằm tăng nguồn thu và điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, nhưng không gây tác động xấu đến kinh tế TPHCM. Tương tự, TPHCM sẽ đặt thêm những loại phí, lệ phí nào? Lâu nay, TPHCM đeo đuổi giải quyết nhiều bức xúc như vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề liên quan đến xây dựng. Như vậy, TPHCM có đặt ra phí mới hay không, nếu có thì sẽ tác động thế nào? Tương tự, đối với dự án cao tầng thì có đặt thêm phí mới và nếu có sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, tác động đến chính sách xây dựng chung cư hay không? Nói như vậy để thấy rằng Nghị quyết 54 nêu ra đầu bài. Việc của TPHCM là tổ chức giải đầu bài đó dựa trên cơ sở thực tiễn của mình. Trong chính sách này, bên cạnh mục tiêu tăng ngân sách còn phục vụ mục tiêu quản lý đô thị, điều chỉnh dân cư. Do vậy, tôi cho rằng nội dung này cần phải được nghiên cứu, thảo luận thật kỹ. TPHCM cũng phải đánh giá tác động cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.- Về tổng quát, TPHCM phải tuân thủ một số nguyên tắc, yêu cầu gì để tạo được sự đồng thuận trong việc triển khai Nghị quyết 54? Nghị quyết 54 cho phép Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp quận thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, cơ chế phân cấp, phân quyền cho UBND cấp quận, cấp phường phải theo nguyên tắc, thành chủ trương. Đó là công vụ nào, việc nào cấp dưới làm tốt thì nên để cấp dưới làm; cấp trên chỉ tập trung kiểm tra, giám sát. Điều này giúp tránh tình trạng một việc mà nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng làm. Cơ chế này thay đổi công vụ chứ không chỉ là vấn đề biên chế. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề này phải được nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện để hướng tới mục tiêu sao cho bộ máy tổ chức tinh gọn nhưng làm việc hiệu quả. Đây là cơ sở để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; bởi nếu bộ máy không tinh gọn và hiệu quả thì không có cơ sở để tăng thu nhập; mặt khác cũng không thể thực hiện theo kiểu bình quân chủ nghĩa như trước đây.  Theo tôi, trước khi các đề án trình HĐND TP thì phải có bước trao đổi, thảo luận trước, có ý kiến góp ý của chuyên gia và thực hiện đánh giá tác động trên cơ sở vấn đề được lật ngược, lật xuôi xem xét. Để tạo sự đồng thuận thì những lợi ích từ các đề án, chính sách triển khai cụ thể cơ chế đặc thù phải được thông tin, tuyên truyền để mọi người dân cùng thấy rõ. Dĩ nhiên, một chính sách nào cũng gây ra tác động 2 chiều. Trên cơ sở đánh giá các tác động đó sẽ cân nhắc lựa chọn chính sách có nhiều điểm tích cực, mang lại lợi ích cho xã hội nhiều nhất.

Tin cùng chuyên mục