Tăng thủy, giảm nhiệt để hạ chi phí sản xuất điện

Tại cuộc họp điều tiết, vận hành liên hồ chứa thủy điện do Tổng cục Phòng chống thiên tai vừa tổ chức, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, giá thành sản xuất từ nhiệt điện than đang đắt gấp 4 lần chi phí thủy điện.

Nguyên nhân là do giá than đã tăng gấp 5 lần so với năm 2021, nên giá thành sản xuất điện từ than lên tới 4.000 đồng/kWh, trong khi thủy điện chỉ khoảng 1.000 đồng/kWh. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất từ thủy điện rất rẻ, chỉ bằng 25% của điện than.

Theo báo cáo của EVN về cơ cấu huy động nguồn phát trong thời gian qua thì thủy điện chỉ chiếm khoảng 26%, nhiệt điện than chiếm tới 46%, năng lượng tái tạo chỉ chiếm hơn 15%, còn lại là điện khí và phần rất nhỏ nhập khẩu. Sở dĩ nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bởi đây là nguồn ổn định để dự phòng cho điện gió, điện mặt trời không hoạt động được lúc không có nắng, không có gió. Nếu giá than đắt đỏ, liên tục leo thang thì chi phí để sản xuất nhiệt điện đội lên rất lớn, trong khi đã hơn 3 năm Bộ Công thương không điều chỉnh lại giá điện và EVN cũng có cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 để hạn chế tác động tới giá tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thủy điện cũng được một số chuyên gia coi là năng lượng tái tạo và có công suất ổn định nếu đảm bảo đủ dung tích hồ chứa. Do đó, trong bối cảnh nhiệt điện than đắt như hiện nay, EVN đã đề nghị cho vận hành tối đa các công trình thủy điện để bù đắp cho phần lỗ của nhiệt điện than; đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho phép các hồ giữ mực nước cao hơn so với quy định chống lũ.

Theo nhiều chuyên gia, đề nghị “tăng thủy, giảm nhiệt” của EVN là có thể chấp nhận được, nhưng các bên có trách nhiệm phải cùng ngồi lại để tính toán mức tích - xả một cách chính xác, nên tích hoặc xả vào những thời điểm nào là hợp lý, vận hành các liên hồ chứa ra sao... để vừa đảm bảo khai thác tối đa công suất từ thủy điện, vừa phải đảm bảo an toàn nghiêm ngặt cho hồ đập và hạ du nếu có mưa lũ lớn (không thể xả lũ cấp tập gây thiệt hại lớn cho hạ du), đồng thời cũng phải đảm bảo dành dụm được nguồn nước đủ cho mùa khô hạn. Không thể vì chủ quan hoặc tham lam mà gây nguy hiểm cho hạ du trước xu thế thiên tai năm nay rất bất thường. 

Theo báo cáo 5 tháng của Bộ Công thương, năm nay sẽ không lo thiếu điện, nguồn điện khá dồi dào. Do đó, nếu gia tăng công suất thủy điện, EVN cũng nên cân đối, tính toán hỗ trợ cho người tiêu dùng thông qua ổn định giá điện, hoặc giảm hóa đơn tiền điện (như từng triển khai các đợt hỗ trợ trong năm 2020-2021 do dịch Covid-19), hoặc lui thời điểm điều chỉnh giá điện, bởi thực sự chi phí từ thủy điện là rất rẻ, mới đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục