Tăng thời gian bán hàng và mở cửa từ Mùng 2 Tết

Theo Sở Công thương TPHCM, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong dịp tết, các doanh nghiệp bình ổn thị trường (DN BOTT) như Co.opmart, BigC, Aeon, Citimart-Aeon, VinMart, Lotte Mart… đã lên kế hoạch mở cửa sớm hơn và kéo dài thời gian bán hàng (tăng thêm 2 - 4 giờ/ngày) trong những ngày cận tết.

 

Người dân chọn mua thực phẩm BOTT tại siêu thị ảnh: Thanh Tấn
Người dân chọn mua thực phẩm BOTT tại siêu thị ảnh: Thanh Tấn
Cụ thể, từ ngày 20 - 27 tháng Chạp, các siêu thị sẽ mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; từ ngày 27 đến 29, mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ; ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Khai trương năm mới vào sáng Mùng 2. Từ Mùng 2 đến Mùng 5 Tết, mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ. Từ Mùng 6, các siêu thị đồng loạt hoạt động kinh doanh bình thường. Riêng một số hệ thống siêu thị như Lotte Mart tại TPHCM sẽ phục vụ liên tục trong những ngày tết. 

 Để giảm áp lực lượng khách quá đông, các siêu thị đều tăng thêm 30% nhân viên phục vụ, thêm quầy thu ngân, tăng xe đẩy và giỏ đựng hàng, tăng nhân viên giao hàng, gói quà… Nhiều siêu thị có kế hoạch thu hẹp các khoảng trống ở sảnh, tăng thêm quầy hàng, lượng hàng trên kệ, tạo sự đa dạng mua sắm cho khách hàng trong những ngày giáp tết. 

Tại các chợ truyền thống, ban quản lý cho biết, sẽ xin ý kiến của quận cho phép tiểu thương kéo dài giờ bán hàng vào các buổi chiều đến 18 - 19 giờ, so với mức trước đây là 17 giờ. Sau ngày 23 tháng Chạp, ban quản lý một số chợ cũng chấp thuận cho tiểu thương ở khu vực nhà lồng bán hàng đến 21 giờ mỗi ngày. Theo quy định, các chợ sẽ đóng cửa trước 12 giờ ngày 30 Tết để làm vệ sinh, dọn dẹp đón tết. 

Bên cạnh việc tăng thời gian bán hàng, Sở Tài chính đã tiến hành chốt giá bán các mặt hàng bình ổn trong thời gian trước Tết Nguyên đán 1 tháng và sau tết 1 tháng, kể từ ngày 15-1 đến hết ngày 15-3-2018 nhằm ổn định thị trường. Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm hàng như gạo các loại, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Đồng thời, các DN cũng lên kế hoạch phối hợp với các nhà phân phối thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Công tác phát triển điểm bán hàng tết đang được các DN triển khai quyết liệt. Bên cạnh mạng lưới phân phối bao gồm 4.127 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm bình ổn giá, các DN sẽ phối hợp với UBND các quận huyện, hội phụ nữ và đoàn thanh niên tăng cường công tác bán hàng lưu động đến các điểm vùng sâu, vùng xa của TP, các KCX - KCN để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Công thương giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho DN tham gia hàng bình ổn nhằm đưa kịp thời hàng hóa đến các điểm bán.

Tin cùng chuyên mục