Tăng sốc, nhưng giảm dè dặt

Sau 3 lần giảm liên tiếp, kể từ chiều 21-4, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng trở lại. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 663 đồng/lít, ở mức 27.134 đồng/lít; xăng RON 95 có giá mới là 27.992 đồng/lít (tăng 675 đồng/lít). Tương tự, dầu diesel cũng tăng 979 đồng/lít; dầu hỏa tăng 801 đồng/lít; dầu mazut tăng 871 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu hỏa và dầu diesel; chỉ chi đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 250 đồng/kg. Trong khi đó, bắt buộc các doanh nghiệp tiếp tục trích lập quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng (xăng E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít) và dầu (trừ dầu mazut). 

Theo lý giải của một lãnh đạo Bộ Công thương, sở dĩ tại kỳ điều hành này liên bộ không thể chi quỹ và phải tiếp tục yêu cầu trích lập là do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn sau thời gian dài “xả” để “đuổi theo” giá xăng dầu tăng liên tục. Do đó, cần phải tiếp tục tranh thủ trích lập và giảm chi để tạo dư địa cho thời gian tới khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể còn biến động phức tạp hơn.

Theo nhiều người tiêu dùng, trong 3 kỳ điều hành vừa qua, mức giảm giá bán xăng dầu trong nước rất dè dặt, không bù lại được mức giá tăng sốc trước đó dù có lúc giá dầu thế giới đã quay về mốc 100 USD/thùng. Khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước giảm ít; còn khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước tăng từ mạnh đến rất mạnh. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội và TPHCM còn nhận định rằng, nếu tại kỳ điều hành lần này, liên bộ Công thương - Tài chính sử dụng tới công cụ quỹ bình ổn giá, thì chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được kìm ở mức hợp lý hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, không tạo thêm các cú sốc cho kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh, du lịch...

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong quý 1-2022 đã có 7 kỳ điều hành giá xăng dầu. Trong đó, giá xăng RON 95 đã tăng 5.900 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 5.780 đồng/lít và dầu diesel tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý 1-2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm. Với tình hình hiện nay, nhiều người cho rằng giá xăng dầu khó quay trở lại mức ở thời điểm năm 2021 hoặc ở mức mà người tiêu dùng mong đợi, nhiều khả năng thiết lập mặt bằng giá mới cho hàng hóa dịch vụ.

Như vậy, ở thời điểm này không thể trông chờ vào quỹ bình ổn để kìm đà tăng giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao cần thiết phải tính đến việc cắt, giảm thêm các loại thuế, phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế nhập khẩu... và các khoản phí cấu thành giá xăng dầu.

Tin cùng chuyên mục