Tăng nguy cơ cháy tại cơ sở sản xuất

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an), trong tháng 10-2021, cả nước có đến 53,79% số vụ cháy và sự cố cháy xảy ra tại khu dân cư, cơ sở sản xuất, kho tàng. Trong đó, nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những khu nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh tiếp tục là điểm nóng, có nguy cơ cháy cao.
Cảnh sát PCCC & CNCH chữa cháy xuyên đêm tại Công ty nhập khẩu, phân phối Nhất Kiến
Cảnh sát PCCC & CNCH chữa cháy xuyên đêm tại Công ty nhập khẩu, phân phối Nhất Kiến

Liên tiếp xảy ra cháy

 Đến sáng ngày 6-11-2021, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an quận 1 và Công an TPHCM vẫn tiếp tục phun nước dập lửa tại hiện trường vụ cháy xảy ra tại trụ sở của Công ty nhập khẩu, phân phối Nhất Kiến (phường Cầu Kho, quận 1) vào đêm 5-11. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, cửa chính của công ty bị khóa chặt. Người dân phát hiện nỗ lực ứng cứu nhưng không thể tiếp cận hiện trường.

Ngay sau đó, Đội PCCC & CNCH Công an quận 1 và Đội Chữa cháy & CNCH Phòng PC07 được điều động đến hiện trường. Tại đây, cảnh sát phải dùng kềm thủy lực để mở cửa chính và dùng thang để tiếp cận từ lầu 1 và 2 của căn nhà. Đây là công ty nhập khẩu, phân phối mực in nên khi xảy ra hỏa hoạn đã tạo nhiều khói đen, nặng mùi và độc hại. Công tác truy tìm gốc lửa và chữa cháy càng thêm khó khăn, phức tạp.

Trụ sở công ty lại nằm trong khu vực đông dân cư, nhiều cơ sở, sản xuất, kinh doanh liền kề. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con, hàng chục cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng địa phương đã xuyên đêm chữa cháy. Đến khoảng 1 giờ 10 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, do hiện trường cháy có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, cảnh sát đã phải tổ chức dập lửa tàn đến khi trời sáng. Chỉ trong một đêm, ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng giá trị toàn bộ căn nhà (1 trệt 2 lầu, tổng diện tích khoảng 200m²). Trong đó, chất cháy chủ yếu gồm mực in, máy in, bao bì giấy, trang trí nội thất… Hiện lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân, thiệt hại vụ cháy.

Cũng trong ngày 6-11, hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng của Công ty TNHH Nguyễn Hoàng Hải trên đường Song Lu (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi). Đây là công ty chuyên gia công chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Vì vậy, ngay sau khi bén lửa, ngọn lửa đã nhanh chóng bùng lên và lan rộng. Ngay sau khi nhận tin báo, hàng trăm cảnh sát PCCC & CNCH đã được điều động đến hiện trường phối hợp dập lửa. Phải mất hơn 4 giờ căng mình chiến đấu, cảnh sát mới khống chế được đám cháy. Theo đó, “bà hỏa” cũng kịp “nuốt” nhiều tài sản giá trị (nội thất, bàn ghế gỗ…) tại xưởng 1, xưởng 2, showroom và kho vật tư, tổng diện tích thiệt hại 6.200/14.000m² công ty.

Kiểm tra an toàn PCCC khi bắt đầu sản xuất

Theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH Bộ Công an, trong tháng 10-2021, cả nước xảy ra 292 vụ cháy và sự cố cháy khiến 2 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 11 tỷ đồng và 38,19ha rừng. So với tháng 9-2021, số vụ cháy và sự cố cháy giảm 15 vụ, nhưng tài sản thiệt hại ước tính sơ bộ tăng khoảng 2,61 tỷ đồng.

Trong tháng, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã trực tiếp tham gia 100 vụ CNCH. Qua đó đã tổ chức cứu được 19 người, tìm kiếm được 68 thi thể và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. May mắn không có vụ nổ xảy ra trên toàn quốc, không có người chết và người bị thương.

Trong số các vụ cháy và sự cố cháy xảy ra trong tháng có 145 vụ cháy theo quy định thống kê và 147 vụ sự cố chập cháy trên cột điện, thiết bị điện trong nhà dân, cháy cỏ, rác. Lực lượng chức năng cũng điều tra làm rõ nguyên nhân 39/145 vụ. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự cố về điện, bất cẩn trong sử dụng các nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác. Điều đáng nói, có đến 78/145 vụ cháy, sự cố cháy xảy ra trong khu dân cư và các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm 53,79%). Những vụ cháy, nổ xảy ra tại đây thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Từ ngày 30-9-2021, thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại. Nhiều hệ thống máy móc, thiết bị phải tạm ngưng sau một thời gian giãn cách không được kiểm tra cẩn thận khi đưa vào hoạt động. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ. Vì vậy, để đảm bảo tính mạng, tài sản trước nguy cơ của hỏa hoạn, mỗi người dân cần cẩn trọng kiểm tra an toàn PCCC khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh.

Trong tháng 10-2021, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kiểm tra 36.397 lượt cơ sở, phát hiện 6.413 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 252 trường hợp với số tiền phạt hơn 470 triệu đồng. Ngoài ra, có 23 trường hợp tạm đình chỉ và 16 trường hợp đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn PCCC.

Tin cùng chuyên mục