Tăng lương đi cùng tăng năng suất lao động

Tăng lương sớm nhất là nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Cùng với đó, cử tri và nhân dân cũng mong muốn nhìn thấy những kết quả bền vững trong sắp xếp việc làm, tinh gọn biên chế, cải thiện năng suất lao động.
Công nhân làm việc tại một khu chế xuất của TPHCM (ảnh minh họa). Ảnh: THU HƯỜNG
Công nhân làm việc tại một khu chế xuất của TPHCM (ảnh minh họa). Ảnh: THU HƯỜNG

Nhiều ý kiến ĐBQH tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tăng mức lương cơ sở sớm nhất có thể tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2022-2023, ngày 28-10.

Trước đó một ngày, ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nhận định, tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý. Song, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng, việc tăng lương nên thực hiện từ 1-1-2023 thay vì để đến 6 tháng sau đó. Nhiều ĐBQH khác cũng có cùng quan điểm. Tiền lương được cải thiện đồng nghĩa với đầu tư cho con người được nhiều hơn, yếu tố không kém phần quan trọng so với đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. 

Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận việc bố trí nguồn lực để thực hiện tăng mức lương cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế, là một thách thức không hề nhỏ. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, với phương án tăng lương cơ sở từ ngày 1-7, Chính phủ ước tính phải chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng.

Một khía cạnh khác, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của người lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Tháng 9 năm nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam đang đối mặt với xu hướng giảm và đình trệ trong suốt thập kỷ qua. Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13.817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines.

So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam từ năm 2010-2019 chỉ cao hơn Timor-Leste, Campuchia và Myanmar. Năm 2020, lực lượng lao động tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động của Việt Nam. Trong khi đó, số lượng lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0 (GCI 4.0) năm 2019 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia về chỉ số GCI 4.0, nhưng xếp thứ 93 về kỹ năng lao động - thấp nhất trong 13 chỉ số thành phần.

Trong khi đó, tốc độ cải thiện năng suất lao động chậm hơn kỳ vọng. Chỉ tiêu duy nhất trong số 15 chỉ tiêu pháp định của năm 2022 không đạt, như Chính phủ dự báo, chính là chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Năm 2022, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động trong khoảng 5,5%; song ước chỉ đạt khoảng 4,7-5,2%. Sang năm 2023, dự báo kinh tế sẽ khó khăn hơn năm 2022 nên tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo đạt khoảng 6,5% và lao động chỉ tăng hơn 0,5-1% (như các năm trước khi xuất hiện dịch Covid-19). Năng suất lao động cũng chỉ có thể tăng khoảng 5-5,5%... 

Rõ ràng, tăng lương sớm nhất là nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Cùng với đó, cử tri và nhân dân cũng mong muốn nhìn thấy những kết quả bền vững trong sắp xếp việc làm, tinh gọn biên chế, cải thiện năng suất lao động. Khi và chỉ khi cả hai yếu tố trước mắt và lâu dài đó được bảo đảm thì những mục tiêu kinh tế - xã hội mới trở thành hiện thực; người dân mới được thụ hưởng những thành quả phát triển. 

Tin cùng chuyên mục