Tăng lương để tăng năng suất, giữ chân lao động

LTS: Từ 1-7, mức lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng bình quân 6%, từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành. Đây là điều người lao động (NLĐ) mong mỏi sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lương tối thiểu giữ nguyên. 

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ đồng tình, dù việc tăng lương có ảnh hưởng nhất định tới sự phục hồi của doanh nghiệp. Trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao hiện nay, thái độ của doanh nghiệp thể hiện sự chia sẻ rất ý nghĩa trước khó khăn của NLĐ, qua đó giúp kích thích tăng năng suất làm việc và giữ chân NLĐ lâu dài. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến một số NLĐ, đơn vị sử dụng lao động về vấn đề này.

* Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7:

Giảm lợi nhuận để giữ chân lao động

Hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NLĐ đã không có tích lũy nên nếu trì hoãn việc tăng lương, đời sống của họ sẽ thêm chật vật. Vì vậy, từ tháng 5-2022, công ty đã tăng lương cho NLĐ. Theo đó, NLĐ làm việc tại công ty có mức lương trung bình đạt 18-19 triệu đồng/người/tháng và mức lương thấp nhất là 12 triệu đồng/người/tháng.

Đây là cách công ty cảm ơn NLĐ đã gắn bó, đồng hành, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, họ đã cùng công ty thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện 3 tại chỗ để duy trì sản xuất, kịp đáp ứng các đơn hàng đúng tiến độ. Dù việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ 6%, nhưng khoản tăng thêm này sẽ giúp công nhân có thêm nguồn chi tiêu, khi giá xăng và các mặt hàng thiết yếu đang tăng cao. 

Thực tế, việc tăng lương sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi sản xuất và tính hướng phát triển lâu dài, đơn vị phải có lực lượng lao động thạo nghề. Do đó, công ty phải chấp nhận việc giảm lợi nhuận một thời gian để giữ chân NLĐ. Bởi khi cuộc sống được cải thiện, NLĐ sẽ thêm động lực gắn bó, tăng gia sản xuất, giúp công ty tìm cơ hội khôi phục phát triển sản xuất.

* Ông PHẠM QUANG ANH, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony: 

Cần có phương án tăng lương cho lao động

Đợt tăng lương tối thiểu vùng lần này không ảnh hưởng nhiều đến công ty chúng tôi. Bởi vì chúng tôi đã chủ động tăng lương cho công nhân ngay từ đầu năm. Hiện nay, mức lương trung bình của công nhân phổ thông làm việc tại công ty đã cao hơn gấp 3 lần so với mức lương tối thiểu, lao động có tay nghề cao lương còn cao hơn. Đây là cách chúng tôi hỗ trợ NLĐ trước các cơn “bão giá” và giai đoạn sau dịch Covid-19.

Ngoài ra, thực tế hiện nay các doanh nghiệp có nhiều hệ thống lương khác nhau. Những doanh nghiệp trả lương theo thứ bậc A, B, C sẽ có quy trình tăng lương theo mức lương cơ bản, khi đó mức lương tối thiểu tăng mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm thì không ảnh hưởng nhiều. Tôi cho rằng, để giữ chân NLĐ, mỗi doanh nghiệp cần có các phương án tăng lương riêng để người lao động an tâm sản xuất.

* Anh VÕ TRUNG TIẾN, công nhân Công ty PouYuen Việt Nam (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân):

Thêm được ít tiền xăng xe

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đang trông ngóng đến ngày tăng lương tối thiểu lần này. Hiện nay, tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trang trải tiền thuê trọ, ăn uống, xăng xe và gửi một ít về phụ giúp gia đình ở quê.

Trong giai đoạn căng thẳng do dịch Covid-19, nhất là lúc giãn cách, không có thu nhập, vợ chồng tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra trang trải, cộng với giá cả hàng hóa tăng cao suốt nhiều tháng qua khiến gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mấy tháng nay giá cả cái gì cũng tăng, chỉ lương là chưa tăng. Nghe nói đợt này công ty sẽ tăng 6% lương, dù không nhiều nhưng cũng giúp cải thiện phần nào đời sống công nhân, hỗ trợ thêm chi phí xăng xe hàng tháng.

* Chị TRẦN NGỌC NGHĨA, công nhân Công ty Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương):

Thêm điều kiện bổ sung dinh dưỡng hàng ngày

Nghe tin lương tối thiểu vùng sắp tăng tôi rất phấn khởi. Hơn 10 năm làm việc ở công ty, mức lương của vợ chồng tôi không quá thấp nhưng với chi phí đắt đỏ như hiện nay, thêm nuôi 3 con nhỏ ăn học, may mắn lắm mới đủ trang trải chứ không dư dả.

Năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập gia đình tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu vùng không tăng nhưng giá cả các mặt hàng tăng liên tục khiến gia đình tôi rất khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Nếu đợt này lương tối thiểu vùng tăng 6%, tính ra mỗi tháng gia đình tôi sẽ có thêm hơn 500.000 đồng.

Vợ chồng tôi tính sẽ sử dụng khoản tiền này bổ sung dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày cho các con. Việc tăng lương góp phần đảm bảo mức sống cho NLĐ, là động lực để chúng tôi an tâm làm việc.

Tăng lương để tăng năng suất, giữ chân lao động ảnh 1 Sớm được tăng lương là mong mỏi của hầu hết công nhân lao động. Ảnh: HỒNG HẢI

* Chị NGUYỄN THỊ THANH MAI, công nhân Công ty TNHH Giày Liann Wan Việt Nam (KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai):

Lương chưa tăng, nhà trọ đã muốn tăng giá

Nghe thông tin từ 1-7, lương của NLĐ sẽ tăng thêm 6%, anh chị em trong công ty chúng tôi ai cũng mừng. Tôi thuộc vùng I, sẽ được tăng thêm 260.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, tổng thu nhập hàng tháng của tôi được gần 7 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi tính toán, với số tiền tăng thêm trên, dù không nhiều nhưng cũng hỗ trợ chi phí xăng xe và cải thiện phần nào bữa ăn gia đình.

Thế nhưng, vừa nghe tin công nhân được tăng lương, chủ nhà trọ nơi tôi ở cho biết sẽ tăng tiền nhà trọ chút đỉnh để bù chi phí, bởi các chi phí đều tăng. Chúng tôi chia sẻ với chủ nhà trọ vì hơn 2 năm dịch Covid-19, họ cũng đã hỗ trợ người thuê trọ.

Tuy nhiên, nếu tăng lương mà tiền thuê phòng trọ tăng và giá cả các loại, nhất là lương thực thực phẩm thiết yếu cũng tăng giá theo thì gần như chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ không mang lại nhiều ý nghĩa với NLĐ.

Nhiều giải pháp giữ chân người lao động



Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp tại TPHCM đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đến công nhân, NLĐ. Đó là việc doanh nghiệp hỗ trợ tiền xăng xe từ 100.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/người/tháng. Tại nhiều doanh nghiệp không có nhà lưu trú, doanh nghiệp đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền gửi con cho công nhân.

Ngoài ra, bữa ăn giữa ca của NLĐ cũng được nâng chất rất nhiều. Bên cạnh các suất ăn giữa ca mức trung bình 20.000-25.000 đồng/người, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM còn hỗ trợ thêm để suất ăn của NLĐ lên đến 40.000 đồng/người/suất.

Để chăm lo sức khỏe NLĐ sau dịch Covid-19, một số doanh nghiệp còn tổ chức phòng khám mini đặt tại công ty để thuận tiện cho NLĐ được kiểm tra sức khỏe khi cần thiết. Phòng khám với đầy đủ giường, nệm, chăn mền, máy đo SpO2, máy đo thân nhiệt, thuốc điều trị...

Một số doanh nghiệp còn ký hợp đồng với các phòng khám đa khoa quốc tế để có bác sĩ, chuyên gia đến thăm khám và tư vấn tâm lý cho NLĐ hàng tuần. Nhiều công ty tại TPHCM còn tổ chức điểm bán hàng phúc lợi đoàn viên để công nhân được mua hàng chất lượng với giá giảm từ 10%-45%, mua hàng trước trả tiền sau.


Tại hội thảo “Giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19” được tổ chức tại tỉnh Long An ngày 14-6, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐTB-XH tại phía Nam, cho biết, trong quý 1-2022, lực lượng lao động đã dần quay trở lại đạt hơn 51 triệu người. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp chia sẻ cách giữ chân NLĐ, như doanh nghiệp mua bảo hiểm cho cả gia đình NLĐ, cấp phương tiện cho NLĐ trong các công việc cần di chuyển xa… Theo báo cáo lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, năm 2022, doanh nghiệp cần tuyển dụng gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông.

Số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần. Trong quý 1-2022, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,1 triệu người, giảm hơn 2,4% so với quý 4-2021. Thu nhập đầu người lao động tăng dần, tăng 6,4% trong quý 1-2022, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục