Tăng lương cơ sở ngay từ ngày 1-1-2023: Nhiều ý kiến đồng tình

Một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

LTS: Theo chương trình kỳ họp, ngày 27 và 28-10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các kế hoạch, chủ trương quan trọng khác. Một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Ngày 26-10, Báo SGGP đã đăng bài viết xung quanh vấn đề này. Rất nhiều bạn đọc đồng tình và gửi gắm ý kiến đến diễn đàn Quốc hội.

Tăng lương cơ sở ngay từ ngày 1-1-2023: Nhiều ý kiến đồng tình ảnh 1 Cán bộ, công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ đầu năm 2023

Bà HOÀNG THỊ KHÁNH - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: 

Tăng lương phải đi kèm chống lạm phát và tăng giá

Việc tăng lương cơ sở cho CBCCVC khoảng 20,8% là điều tôi thấy vô cùng cần thiết. Đã hơn 3 năm, lương cơ sở CBCCVC chưa tăng, nếu tính bình quân thì số tiền tăng trong lần này cũng chưa cao. Đối với đa phần CBCCVC có mức lương khởi điểm thấp như hiện nay, cuộc sống họ rất khó khăn. Chưa kể, lương thấp kéo theo chế độ đãi ngộ, y tế, chế độ trách nhiệm… cũng thấp. Thời gian qua, giá cả hàng hóa thiết yếu liên tục tăng cao, chi phí y tế, giáo dục, đi lại cũng tăng; như vậy, với đại đa số CBCCVC sống thuần túy bằng lương thì vô cùng vất vả. 

Tôi cho rằng, nếu Chính phủ đã tính đến việc tăng lương cơ sở cho CBCCVC thì tốt nhất là áp dụng ngay từ 1-1-2023 thay vì 1-7-2023. Dù chỉ cách nhau 6 tháng, nhưng đây là thời gian rất quan trọng. Nhất là sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều CBCCVC đuối sức trên “đường bơi” cuộc sống. Do đó, việc tăng lương cơ sở sẽ tiếp sức cho họ càng sớm càng tốt. Bởi khi đã an tâm, họ sẽ đóng góp công sức và thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn. Ngoài ra, song song với nâng lương cơ sở, nhà nước cần quan tâm vấn đề lạm phát, chống giá cả tăng cao. Bởi nếu lạm phát tăng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng thì việc tăng lương sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.

Luật sư LÊ QUANG Y - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:

Tăng lương cho CBCCVC là việc cần làm ngay

Đây là một chính sách lớn của nhà nước trong việc huy động, cân đối nguồn ngân sách, cũng như tổ chức thực hiện để đảm bảo công bằng an sinh xã hội, tạo động lực cho sự phát triển xã hội. Người lao động nói chung, CBCCVC nói riêng phải có thu nhập đảm bảo được cuộc sống mới có thể yên tâm làm việc, đóng góp và cống hiến cho xã hội. Nếu thu nhập chưa đảm bảo được cho cuộc sống của bản thân, gia đình, họ buộc phải xoay sở tìm kiếm thêm các khoản bù đắp cho nhu cầu. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội và chất lượng công việc, công vụ. Đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật xảy ra… không thể không tính đến sự tác động rất lớn của việc thu nhập không đảm bảo cuộc sống, không tương xứng với sự đóng góp của người lao động.  Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thành công đòi hỏi  nhà nước phải có chính sách đảm bảo được cuộc sống tốt đẹp cả về vật chất và tinh thần cho mọi người. 

Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG - cán bộ Hội Chữ thập đỏ quận 3, TPHCM:

Quan tâm hơn nữa đến cán bộ y tế

Đợt dịch vừa qua, cả hệ thống y tế cả nước đã vào cuộc, đi đầu trong phòng chống, điều trị cho người dân. Môi trường làm việc quá căng thẳng, độc hại, nhiều rủi ro, nhưng họ vẫn thầm lặng tham gia với tinh thần tự nguyện cao. Ngoài bác sĩ, nhân viên y tế, cả những người đã nghỉ hưu cũng xách ba lô lao vào tuyến đầu gian khổ. Dịch bệnh vẫn còn đó, dù nguy hại đã được giảm thiểu nhưng không phải là hết nguy cơ, hiện thành phố vẫn duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Sau khi dịch được ngăn chặn, kiểm soát, Chính phủ, chính quyền TPHCM đã có một số đãi ngộ với cán bộ ngành y. Tuy không nhiều, chưa kịp thời, nhưng vẫn nói lên được sự quan tâm sâu sắc với lực lượng đặc biệt này. Hiện nay, ngành y lại tiếp tục đối mặt với những thách thức khác như thiếu thuốc men, phương tiện, máy móc. 

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 2 năm qua, cả nước có gần 40.000 CBCCVC nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, có hơn 12.000 bác sĩ, cán bộ, y tá, điều dưỡng, nhân viên. Một con số đáng suy ngẫm. Theo tôi, một trong các nguyên nhân dẫn đến việc này là thu nhập quá thấp. Do vậy, hơn lúc nào hết các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ y tế, nhất là giải pháp tiền lương!

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM:

Hơn 3 năm nay CBCCVC rất thiệt thòi

Là địa phương có đông dân số (hơn 107.000 dân), áp lực của CBCCVC ở phường Hiệp Bình Chánh là rất lớn. Thời gian qua, nhất là sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều CBCCVC đã xin nghỉ việc, chuyển công tác. Lãnh đạo phường liên tục động viên, hỗ trợ nhiều mặt nên tình hình có dịu xuống. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của địa phương chỉ là giải pháp tình thế, căn cơ hơn vẫn là phải chính sách tiền lương để đảm bảo thu nhập của CBCCVC, tương xứng với khối lượng công việc và công sức của họ bỏ ra. 

Trước thông tin Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch tăng lương cơ sở, CBCCVC của phường rất phấn khởi. Mọi người đều mong mỏi Quốc hội sẽ sớm thông qua chủ trương này và áp dụng ngay từ 1-1-2023. Bởi lẽ hơn 3 năm nay, CBCCVC đã rất thiệt thòi khi Chính phủ tạm ngưng tăng lương cơ sở để tập trung phòng chống dịch. Đó cũng là sự chia sẻ rất lớn của CBCCVC với khó khăn chung của đất nước. Đến nay, thu ngân sách cả nước đã có nhiều khởi sắc, việc tăng lương ngay là hợp lý và rất thiết thực.

Tin cùng chuyên mục