TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ:

Tăng liên kết phát triển sản xuất và hạ tầng thương mại

Ngày 30-12-2019 vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra sơ kết công tác phối hợp thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) giữa TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ năm 2019. Đây là một trong những nội dung quan trọng của chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và khu vực nhằm khai thác, phát triển lợi thế của từng địa phương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến bền vững. 

Thực hiện tốt 5 nội dung phối hợp 

Tây Nam bộ chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo, là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước.

Trong khi đó, TPHCM là trung tâm lớn về nhiều mặt của khu vực phía Nam và cả nước. Với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều chiếm 23,8% so với cả nước, TPHCM vừa là trung tâm phân phối, trung chuyển vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước. TPHCM không chỉ lo nguồn hàng cho hơn 10 triệu dân với sức tiêu thụ tăng trưởng bình quân từ 12%-15%/năm, mà còn là đầu mối phân luồng hàng hóa giữa các địa phương.

Với những lý do trên, phối hợp triển khai chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM các tỉnh, thành là tất yếu khách quan. Trong đó, phối hợp thực hiện BOTT là một trong số các nội dung hợp tác quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường, an sinh xã hội...

Trong năm 2019, hoạt động thương mại, dịch vụ tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và TPHCM diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 2.112.680 tỷ đồng, tăng 12,03% so năm 2018; cao hơn bình quân cả nước là 11,8%.

Tăng liên kết phát triển sản xuất và hạ tầng thương mại ảnh 1 Chế biến trứng cung ứng bình ổn thị trường từ nguyên liệu ở Tây Nam bộ tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, trong 5 nội dung hợp tác (như trao đổi thông tin, chia sẻ thị trường; điều phối hàng hóa, ổn định mặt bằng giá chung; phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; liên kết phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; liên kết phát triển hạ tầng thương mại) đều được thực hiện khá tốt. 

Đến nay, chương trình BOTT có 87 doanh nghiệp (DN) TPHCM tham gia; trong đó, 18 DN đầu tư nhà máy sản xuất, trang trại nuôi trồng hoặc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu tại các tỉnh, thành. Điển hình như đã xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất lúa gạo tại Đồng Tháp, An Giang; đầu tư trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An; xây dựng vùng nguyên liệu trứng vịt tại Sóc Trăng…

Ngược lại, thông qua các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, BigC, Fahasa… sản phẩm BOTT của TPHCM cũng được đưa đến tận tay người tiêu dùng các tỉnh, thành, góp phần giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương. Riêng Saigon Co.op thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa tại các địa phương.

Trong công tác liên kết phát triển hạ tầng thương mại, tính chung TPHCM và 13 tỉnh, thành có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, riêng TPHCM có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi. Các hệ thống phân phối hiện đại của toàn khu vực có sự liên kết khá chặt chẽ do hầu hết được đầu tư bởi một số nhà bán lẻ tiềm lực lớn, phần lớn có trụ sở tại TPHCM như Saigon Co.op, Satra, Fahasa, BigC, Lotte, Aeon, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, đã từng bước làm thay đổi, chuyển dần từ kênh phân phối truyền thống sang phân phối văn minh, hiện đại.

Nâng cao hiệu quả liên kết tiêu thụ nông sản

Đánh giá về công tác phối hợp thực hiện chương trình BOTT, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng chương trình hợp tác thương mại nói chung, phối hợp triển khai BOTT nói riêng giữa TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ của các sở ngành từng địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các DN. 

Để nâng cao hiệu quả, ông Nguyễn Minh Toại đề xuất, trong năm 2020, Sở Công thương TP Cần Thơ sẽ làm đầu mối trong công tác thu thập thông tin, thống nhất cơ chế thực hiện trong toàn khu vực với TPHCM. Tổ chức thường xuyên các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, tạo điều kiện cho DN tham gia trưng bày giới thiệu hàng hóa, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiến tới xuất khẩu. 

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, có cùng quan điểm khi cho rằng, TPHCM rất cần có một đầu mối để liên hệ và thông tin. Với đề xuất của ông Nguyễn Minh Toại, khi cần, TPHCM chỉ liên lạc với tỉnh này là có được những thông tin cần thiết, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. 

Xác định vai trò đầu tàu, năm 2020, TPHCM ngoài việc vận động tất cả hệ thống phân phối hiện đại tham gia, các chợ đầu mối thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với sản phẩm mới đặc trưng vùng miền, còn hướng đến triển khai sâu rộng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp. Tham gia sử dụng các sản phẩm nông sản thực phẩm có chất lượng cao, ổn định và hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng quy hoạch sản xuất, lựa chọn nhà cung cấp, kiểm soát sản xuất, tuyên truyền vận động tham gia, thực hiện sản xuất, cung ứng đúng yêu cầu thị trường, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm. Phấn đấu 100% hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào kinh doanh tại các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục